Nằm ở phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk, chùa Khải Đoan, tên chữ là Sắc Tứ Khải Đoan Tự được biết đến là ngôi chùa cuối cùng ở Việt Nam được phong sắc tứ.
Dưới triều đại phong kiến, sắc tứ là tờ lệnh của vua ban cho một ngôi chùa hay một người, một sự vật đặc biệt nào đó. Dưới triều Nguyễn, những ngôi chùa được sắc tứ thường là một danh thắng có tiếng, có quy mô lớn, được trang trí lộng lẫy, nguy nga và Chùa Khải Đoan là một ngôi chùa như thế.
Chùa do Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Hoàng Thị Cúc (chính phi của vua Khải Định, thân mẫu vua Bảo Đại) cho khởi dựng năm 1951 trên khu đất do bà hiến cúng. Cũng chính Đoan Huy Hoàng Thái Hậu hỷ cúng phần lớn kinh phí xây dựng chùa, thêm vào đó là sự đóng góp các Phật tử từ khắp muôn nơi. Cũng chính vì thế mà chùa mới có tên Khải Đoan, chữ “Khải” trong tên vua Khải Định, còn chữ “Đoan” trong tên của Đoan Huy Hoàng Thái Hậu.
Năm 1953, nhân ngày lễ an vị lạc thành nhà Hậu Tổ, chùa được sắc phong là “Sắc tứ Khải Đoan” – đời vua Bảo Đại. Ở vào năm 1953, mặc dù triều Nguyễn đã kết thúc, nhưng Bảo Đại vẫn là Quốc trưởng của Quốc gia Việt Nam (miền Nam) và với định chế Hoàng triều Cương thổ ở Cao nguyên Trung Phần (Tây Nguyên) thì Bảo Đại vẫn là Hoàng đế của vùng đất này. Và đây là Sắc tứ cuối cùng của một vị vua Việt Nam ban cho một ngôi chùa Phật giáo.
Mời quý vị xem các chương trình Về chốn linh thiêng đã phát sóng tại đây./.