Làng đá mỹ nghệ non nước – Nơi đá hóa tâm hồn
Ngũ Hành Sơn là một vùng đặc trưng với các khối đá, vách núi dựng đứng tạo nên khung cảnh kì vĩ.
Với chất liệu đá cẩm thạch nhiều màu sắc và có độ dẻo, nên núi Ngũ Hành Sơn chính là nguồn nguyên liệu mà nhân dân làng Quán Khái Đông trong buổi đầu lập nghiệp đã khai thác và chế tác thành những công cụ, vật dụng phục vụ cho đời sống, sinh hoạt và sản xuất của mình, dần dần hình thành nên một trong những làng nghề điêu khắc đá nổi tiếng bậc nhất Việt Nam - Làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước ngày nay.
Theo dân gian, vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVII thì nghề điêu khắc đá ở Ngũ Hành Sơn đã hình thành do ông tổ nghề khai sinh đầu tiên.
Kể từ khi vào Đà Nẵng lập nghiệp, sống dưới chân núi núi Ngũ Hành Sơn, ông đã sớm phát hiện ra đây là một cụm núi đá cẩm thạch khổng lồ, thứ nguyên liệu có thể tạo ra những đồ vật trang trí rất đẹp. Ông bèn lấy một ít đá, đem về nhà rồi tỉ mỉ tẩn mẩn tạo ra những dụng cụ thô sơ như cối giã tiêu, giã thuốc hoặc các tấm bia mộ. Sau đó ông bắt đầu truyền lại cho con cháu và những người xung quanh.
Từ những dụng cụ để phục vụ cho cuộc sống, những người dân ở đây đã sáng tạo nên những sản phẩm điều khắc tạc hình Rồng, Rùa, Phượng vô cùng tỉ mỉ, công phu nhằm phục vụ cho các công trình. Đặc biệt là đến đầu thế kỳ 19, khi nhà Nguyễn cho xây dựng chùa chiền, lăng tẩm, miếu mạo thì nghề cũng có cơ hội phát triển nhiều hơn. Một số thợ giỏi cũng được triều đình phong hàm Cửu phẩm, mời đi làm nghề ở nhiều nơi trên khắp cả nước. Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước cũng được phát triển từ đây và được biết đến nhiều hơn.
Hiện nay, làng nghề truyền thống Đà Nẵng này đã có hơn 500 cơ sở sản xuất với các sản phẩm mỹ nghệ ngày càng độc đáo, đa dạng. Năm 2014, làng nghề được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nơi đây còn là địa điểm du lịch làng nghề nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách khắp nơi đến tìm hiểu, chiêm ngưỡng những tác phẩm mỹ nghệ đặc sắc.
Trước đây đá dùng làm sản phẩm mỹ nghệ của làng nghề được khai thác từ núi Ngũ Hành Sơn, nhưng khai thác đá làm mất đi vẻ đẹp của danh thắng vì vậy việc khai thác đá đã bị cấm. Hiện nay, nguyên liệu của làng nghề được cung cấp từ các địa phương khác với sản lượng hàng chục ngàn tấn mỗi năm. Nguồn đá có nhiều loại phong phú từ đá cẩm thạch xanh, trắng, cà rốt vàng, đỏ, đá Granite, đá trắng từ Nghệ An; đá Granite, cẩm thạch ở Yên Bái; đá cẩm thạch nhiều màu sắc ở Thanh Hoá; đá vân gỗ, đá hường, đá đỏ hoa, đá Firo ở Hà Tây; đá cẩm đen ở Ninh Bình; Đá sa thạch ở Quảng Nam…
Ngoài ra còn có các loại đá ngọc được nhập từ Pakistan và nhiều nước khác; đá thạch anh nhập từ nước ngoài và các mỏ đá ở Đắk Lắk, Lâm Đồng…
Để tạo ra một sản phẩm đá mỹ nghệ hòan chỉnh, không phải ngày một ngày hai mà đó là cả một quá trình. Đầu tiên là phải có nguyên liệu chính là đá tảng.
Khi có nguyên liệu là đá được nhập từ nơi khác về, người thợ sẽ bắt đầu tạo hình đồ vật ở dạng thô. Qúa trình này bao gồm nhiều công đoạn phức tạp như tìm mặt phẳng tạo chân đế, xác định điểm chuẩn để tạo hình, sau đó vẽ phác thảo lên giấy và vẽ lên mặt đá hoặc là in trực tiếp lên đá. Đối với những sản phẩm có độ kì công hơn, mang tính nghệ thuật cao hơn thì người thợ phải thực hiện chúng trên đất sét trước, sau đó mới bắt đầu làm chính thức.
Sau khi đã có bản vẻ phác thảo, người nghệ nhân sẽ bắt đầu đục phôi có sẵn để tạo hình sản phẩm. Sau khi phôi đã bắt đầu hoàn thiện thì người thợ sẽ bắt đầu thực hiện các công đoạn tiếp theo như chạm hình nét, trang trí hoa văn, đánh bóng sản phẩm. Ở các bước này, quan trọng nhất chính là tạo nét sản phẩm và trang trí. Nó yêu cầu người thợ phải thể hiện thật chính xác và tỉ mỉ, và muốn có được như vậy thì người thợ phải có kỹ thuật điêu luyện.
Mỗi tác phẩm điêu khắc đều là thành quả lao động kỳ công của những bàn tay tài hoa. Từng mũi khoan, từng nét đục của những nghệ nhân đều thể hiện tình yêu với đá, với cái nghề truyền thống cha ông. Đối với những tượng đá có kích thước to, nặng hàng trăm tấn, việc tạo ra tác phẩm trải qua nhiều công đoạn khó khăn, đòi hỏi sự kỳ công của người thợ, để tạo tác một cách tuyệt mỹ và chính xác.
Mỗi sản phẩm được tạo nên đều chính là thành quả lao động đáng trân trọng của những nghệ nhân sống cùng với làng nghề. Đó không chỉ là cái nghề kiếm ra tiền mà còn là cái tâm với nghề, là tình yêu của họ dành cho những tảng đá tưởng chừng như vô hình vô giác.
Các sản phẩm đá Non Nước Ngũ Hành Sơn rất đa dạng về hình dáng, kích cỡ, màu sắc, chủng loại. Hàng năm, nơi đây sản xuất được khoảng hơn 80.000 sản phẩm từ đá mỹ nghệ. Những tác phẩm của làng đá mỹ nghệ Non Nước có rất nhiều công dụng như: Phục vụ đời sống sinh hoạt gồm bát đĩa, bình hoa, ấm chén… Phục vụ đời sống tâm linh gồm bia mộ, phù điêu, tượng Phật, tượng La Hán, tượng Chăm… Hay tác phẩm để làm quà lưu niệm gồm tượng động vật, tượng chân dung thiếu nữ Việt Nam và phương Tây…
Làng Non Nước là nơi giao thoa của hai nền văn hóa đặc sắc - văn hóa Việt cổ và văn hóa Chăm pa. Các tác phẩm đá mỹ nghệ có sự ảnh hưởng đặc biệt từ văn hóa Chăm pa ở thánh địa Mỹ Sơn.
Hàng trăm bức tượng Chăm pa với đủ kiểu dáng, hình thù được các nghệ nhân điêu khắc cực kỳ tinh tế. Bên cạnh đó là những tác phẩm thể hiện văn hóa Việt cổ như điêu khắc rồng, rùa, phượng lên các bia mộ, chùa chiền, lăng tẩm.
Ngày nay do nhu cầu phát triển, nhiều nghệ nhân đã mở các lớp đào tạo điêu khắc, nhiều nghệ sĩ đã sáng tác kết hợp giữa cổ truyền và hiện đại. Làng đá hội tụ đủ tiêu chí: thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người và được kế tục qua nhiều thế hệ…
Cùng với việc giữ nghề, hiện nay, việc xử lý ô nhiễm và quy hoạch lại làng nghề đang được các cấp chính quyền quan tâm, để phát triển làng nghề theo hướng mở rộng, thương mại kết hợp với phát triển du lịch.
Từ khối đá đơn sơ, thô ráp, qua bàn tay tài hoa của những người nghệ nhân, các khối đá trở nên láng mịn, bóng bẩy và lộ rõ những vân đá đẹp mắt. Tất cả mọi tác phẩm đều được những người thợ làng đá chạm khắc khéo léo và cực kỳ tinh xảo. Các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, phong phú về mẫu mã được nhiều du khách quan tâm. Du khách đến đây, ngoài tham quan, tìm hiểu làng nghề hàng trăm năm tuổi còn có thể mua các sản phẩm đẹp mắt, tinh xảo về trang trí, làm quà biếu,….
Qua nhiều năm hình thành và phát triển, các sản phẩm của làng đá Non Nước ngày càng đa dạng, phong phú, đẹp mắt, nổi tiếng khắp mọi nơi. Những người nghệ nhân tại làng đá Non Nước Đà Nẵng ngày đêm say sưa “thổi hồn” vào đá, miệt mài để tạo nên những sản phẩm ngày càng công phu và điêu luyện, góp phần phát triển và giữ gìn làng nghề điêu khắc đá truyền thống của Việt Nam.
Thực hiện: Hải Hà - Hoàng Thuyên