Video Làng nghề Việt

Làng nghề may mặc giúp đổi thay vùng quê Yên Trị

Sự phát triển của làng nghề may mặc Vĩnh Trị tạo nên sức sống cho cả xã Yên Trị, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Cuộc sống của người dân ngày một đi lên từ việc sản xuất, thương mại các mặt hàng thời trang, may mặc và xuất khẩu.
19:30 - 05/04/2023

Làng nghề may mặc giúp đổi thay vùng quê Yên Trị

     Nghề may mặc xuất hiện ở xã Yên Trị từ những năm 90 của thế kỷ trước với quy mô manh mún, nhỏ lẻ. Nhưng trong khoảng 10 năm trở lại đây, nghề bắt đầu phát triển mạnh và trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế hộ gia đình và chủ lực của địa phương. Đến với Yên Trị hôm nay, không khó để bắt gặp hình ảnh những xưởng may hoạt động liên tục tại mỗi hộ gia đình.

     Nghề may tập trung chủ yếu ở thôn Vĩnh Trị - nơi được ví như một “xưởng sản xuất khổng lồ”.  Từ một vài cơ sở sản xuất ban đầu, hiện nay, làng nghề may mặc ở Vĩnh Trị đã có khoảng 80 công ty, cơ sở sản xuất lớn nhỏ. Các cơ sở sản xuất nơi đây đã từng bước thiết lập các chuỗi liên kết sản xuất hoàn chỉnh từ cung ứng nguyên liệu, phụ kiện đến khâu hoàn thiện sản phẩm tạo ra giá trị hàng hoá lớn.

     Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Yên Trị, từ khi còn nhỏ, ông Hải đã được tiếp xúc với nghề may. Nhận thấy tiềm năng của nghề, ông đã không ngừng học hỏi và gây dựng nên xưởng sản xuất của riêng mình. Từ một xưởng sản xuất nhỏ ban đầu chỉ khoảng một chục nhân công, đến nay xưởng sản xuất của gia đình ông đã có gần 300 nhân công, sản xuất các mặt hàng chủ yếu là đồ bảo hộ, đồng phục và đồ thời trang nam.

    Để may ra được những bộ quần áo đảm bảo chất lượng, phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên, bộ phận kỹ thuật sẽ phải phân tích các mẫu thiết kế, sau đó phân chia, bố trí sắp xếp công việc trong từng bộ phận, phù hợp với vị trí của từng người.  Vải sau khi được đo, cắt theo kích thước đã định sẽ được chuyển về các chuyền để may từng bộ phận của sản phẩm.

     Nếu như những mặt hàng thủ công đòi hỏi người thợ phải thật sự tỉ mỉ, khéo léo thì đối với nghề may, bên cạnh việc tỉ mỉ, khéo léo còn cần sự chính xác nhất định. Bởi chỉ cần lệch một đường kim mũi chỉ, hay cắt sai một li thì sản phẩm đó sẽ bị hỏng và không được xuất ra thị trường.

      Không như những làng nghề thủ công phải hoàn thiện sản phẩm hoàn toàn bằng tay, nghề may được hỗ trợ rất nhiều bởi máy móc kỹ thuật hiện đại. Những chiếc máy may ở đây đều là những chiếc máy đời mới, giúp công nhân giảm bớt sức lao động. Có lẽ vì thế mà yêu cầu về nhân công ở đây cũng không quá cao, chính điều này đã tạo nên sự thay đổi lớn về đời sống của người dân nơi đây. Bởi không chỉ những người trẻ mà cả những người lớn tuổi cũng có thể tham gia vào việc sản xuất. Mỗi người mỗi công việc, người trẻ thì tỉ mẩn với những đường may, người già thì cắt chỉ, đóng gói sản phẩm.

     Với lợi thế của một người trẻ, anh đã không ngừng tìm tòi và học hỏi với mong muốn áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào quy trình sản xuất nhằm tối ưu hóa các công đoạn sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay, xưởng sản xuất của gia đình gần như đều đã ứng dụng những công nghệ tiên tiến, kỹ thuật lập trình được đưa vào quy trình sản xuất nhằm giảm bớt những sai sót và nâng cao năng suất.

     Để nâng cao tính thẩm mỹ cho các sản phẩm thời trang, anh cũng chú trọng đầu tư tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao để thiết kế nên những mẫu mã, kiểu dáng mới phù hợp với xu hướng của thị trường.

     Trung bình một ngày, nhà xưởng có thể hoàn thiện được hàng trăm sản phẩm quần áo các loại. Đối với những công ty lớn hơn thì con số này có thể lên đến hàng nghìn chiếc. Hiện nay, những sản phẩm may mặc của làng nghề như đồ thời trang, quần áo bảo hộ, đồng phục… đã có mặt ở nhiều thị trường trong nước và quốc tế. Nhiều công ty lớn đã có những đơn hàng xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Ba Lan, Nhật Bản, Lào, Campuchia…

      Theo Quyết định số 1705/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định về quy hoạch phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh nam định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, các cơ sở may mặc tại Yên Trị, huyện Ý Yên được xác định là “nhóm ngành nghề nền tảng khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh”; sau  giai đoạn đến năm 2020, củng cố, duy trì và khôi phục và phát triển nhóm ngành này nhằm tạo tiền đề cho phát triển cho giai đoạn 2021-2025, hướng tới mục tiêu “Phát huy thế mạnh về lao động, đất đai, tài nguyên của tỉnh, khai thác các nguồn lực tại chỗ và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài đẩy mạnh phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, xây dựng làng nghề. Tạo được sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống khu vực nông thôn; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, góp phần tích cực thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: “Xây dựng kinh tế của tỉnh Nam Định có bước phát triển nhanh, bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trọng tâm là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”.

Thực hiện: Lan Anh - Ngọc Lệ - Sỹ Thành

Mời QVVCB đón xem những nội dung khác trong chương trình "Làng nghề Việt" tại đây.