Video Về chốn linh thiêng

Linh thiêng cổ tự Nam Dư Thượng

Chùa Nam Dư Thượng là ngôi chùa linh thiêng với những nét độc đáo về lịch sử và kiến trúc được xây dựng từ thế kỷ thứ XVII – niềm tự hào của người dân làng Nam Dư Thượng nay thuộc phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
11:22 - 29/04/2023

Linh thiêng cổ tự Nam Dư Thượng

      Chùa Nam Dư Thượng hay còn gọi là Nghiêm Thắng Tự nằm ở phía Tây Nam phường Lĩnh Nam. Căn cứ trên tấm bia đá dựng tại chùa với nội dung bài văn khắc mang niên đại Vĩnh Tộ thứ 10 (tức năm 1628 dương lịch) thì chùa được xây dựng năm 1621, vào đầu thời Lê Trung Hưng. Như vậy đến nay ngôi chùa đã tồn tại hơn 400 năm tuổi. Sau 4 thế kỷ tồn tại, năm 2019 chùa được trùng tu tôn tạo lại trên cơ sở tôn trọng những giá trị của ngôi chùa cổ.

      Đến chùa Nam Dư Thượng hôm nay, trong một không gian thanh tịnh yên bình dường như mọi ồn ào của phố xá đã lùi xa ngoài cánh cổng. Ngôi chùa như một khoảng lặng bình yên giữa những nhộn nhịp của cuộc sống thường ngày. Chùa được xây dựng theo kiến trúc hình chữ công, qua cửa tam quan là vào chùa chính với các công trình kiến trúc chính như tam bảo, nhà mẫu, nhà tổ. 

      Tam quan có dáng vẻ kiến trúc thời Nguyễn với ngũ môn khá lớn, cổng giữa gồm 3 tầng mái cong, vòm cuốn, mặt nhìn về hướng tây. Cổng tam quan được xây mới hoàn toàn dựa trên kiến trúc của tam quan cũ. Những họa tiết, hoa văn truyền thống như đôi nghê chầu vào nhau, lưỡng long chầu phù, câu đối, đại tự… khiến cho tam quan thêm phần cổ kính, uy nghi và lộng lẫy. Qua tam quan là sân trước dẫn tới tòa tam bảo. Lối đi vào đặt 2 hàng tượng đá với đủ các biểu cảm khác nhau kết hợp cùng những tiểu cảnh tạo nên sự bình yên của ngôi chùa. 

       Điểm nhấn đặc biệt ở chùa Nam Dư Thượng là hệ thống tượng Phật. Tất cả những tượng Phật ở đây đều là những bức tượng cổ có tuổi đời hàng trăm năm. Nổi bật trong số đó là tượng phật Quan âm nghìn mắt nghìn tay. Đây được coi như một bảo vật của chùa Nam Dư Thượng. Cùng với tượng Phật Quan Âm, ban thờ Phật cũng có đầy đủ hệ thống các tượng phật như bộ tượng tam thế, tượng adiđà, đức thích ca, tượng văn thù – phổ Hiền, tượng Đức Ông và Đức thánh hiền, hai bên gian tiền đường còn có bộ tượng thập vị thiền sư cổ kính. Cách bố trí và thứ tự tượng Phật ở đây cũng giống như ở các ngôi chùa Việt Nam theo hệ phái Bắc tông. Khác với những ngôi chùa khác, tòa Tam Bảo của chùa Nam Dư Thượng được sắp xếp theo kiểu “Tiền phật hậu thánh” – nghĩa là bên ngoài thờ Phật, bên trong thờ thành hoàng làng. Chùa thờ Phật và 2 vị nữ thần có công lớn với địa phương là: Hoàng thái hậu Trương Thị Niếu và vương phi chánh cung Nguyễn Thị Ngọc Tú.

      Bên cạnh hệ thống tượng Phật cổ, trong chùa Nam Dư Thượng ngày nay còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị tiêu biểu như tấm bia đá cổ niên hiệu Vĩnh Tộ, khánh đá, nhiều di vật quý như quả chuông đồng, kiệu bát cống, kiệu võng… Đặc biệt trong hậu cung có bày 4 bộ long ngai, bài vị thờ các vị thần và pho tượng Vương phi Nguyễn Thị Ngọc Tú. Tất cả đều có những giá trị nhất định về nghệ thuật điêu khắc dân gian qua từng thời kỳ tạo nên sự linh thiêng diệu kỳ trong ngôi chùa.

      Hàng trăm năm qua chùa Nam Dư Thượng vẫn luôn là chốn linh thiêng, là điểm tựa tâm linh của những người dân địa phương. Nơi đây không chỉ là ngôi chùa làng phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng của bà con địa phương mà còn là nơi những câu chuyện về mảnh đất này, về công đức của những vị thành hoàng làng, niềm tự hào của mảnh đất Nam Dư Thượng được truyền tụng và lưu giữ cho đến tận ngày hôm nay. Người dân ở mảnh đất Nam Dư Thượng này vẫn thường xuyên tới lui ngôi chùa ngôi chùa cổ, kể cho nhau nghe những câu chuyện xa xưa và cùng nhau tụng kinh lễ phật với mong muốn tìm được sự bình anh trong tâm hồn.

Thực hiện: Tùng Lâm - Ngọc Lệ - Lê Thanh

Mời QVVCB đón xem những nội dung khác trong chương trình "Về chốn linh thiêng" tại đây.