Nghề rèn Vân Chàng là một nghề du nhập từ địa phương khác cách đây hơn 700 năm, dưới thời vua Trần Nhân Tông vào thế kỷ thứ 13. Cha truyền con nối, cứ thế người dân Vân Chàng giữ cho lửa rèn không tắt qua bao thế hệ, dẫu có nhọc nhằn hôm sớm, dẫu có vất vả nắng mưa…
Để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh, nghề rèn trải qua nhiều công đoạn làm thủ công. Đầu tiên là cắt phôi thành hình dạng của sản phẩm. Tiếp đó, cho phôi lên lò nung. Tùy thuộc vào từng loại nguyên liệu thép và sản phẩm tạo ra dày hay mỏng, thời gian nung sẽ khác nhau.
Khi phôi thép nung có màu đỏ, người thợ bỏ ra quai búa, còn gọi là đánh nóng. Yêu cầu thao tác quai búa phải nhanh, mạnh, dứt khoát, đòi hỏi rất nhiều sức lực của người thợ.
Qua các giai đoạn làm phôi, nung, rèn thì sản phẩm dao sẽ được mài cho sắc lưỡi.
Tiếp đến là giai đoạn “tôi” dao để tạo độ bền của lưỡi dao. Tôi thép là công đoạn khó nhất, quyết định đến chất lượng sản phẩm, thường do các thợ cả giàu kinh nghiệm thực hiện. Đối với từng loại thép, người thợ sẽ nhìn ánh thép để biết được độ già hoặc non của thép mà có cách tôi cho phù hợp.
Trong cách rèn của người Vân Chàng xưa kia, còn có phương pháp rèn cổ gọi là ẩu sắt. Đó là cách tận dụng những vụn sắt được nung chín gá vào nhau dưới tay búa tài hoa của những người thợ để tạo hình đồ vật.
Sản phẩm nghề rèn ở Vân Chàng giờ đây không chỉ là những nông cụ hay các dụng cụ phục vụ đời sống sinh hoạt thường nhật mà đã phong phú, đa dạng hơn.
Nghề rèn bằng phương pháp quai búa thủ công cũng dần được thay thế bằng máy móc. Sản phẩm của làng rèn ngày càng đa dạng về chủng loại, đạt độ chính xác cao, tinh xảo, mẫu mã đẹp. Bằng sự năng động, sáng tạo, người dân Vân Chàng vừa gìn giữ được nghề của ông cha, vừa đưa nghề phát triển phục vụ cuộc sống và làm giàu cho quê hương.
Mời quý vị xem các chương trình Làng nghề Việt đã phát sóng tại đây./.