Nằm ven sông Hồng, Vạn Phúc là mảnh đất vẫn còn giữ được nét thanh bình của một vùng quê giàu truyền thống huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Nơi đây, từ lâu đã nổi tiếng với nghề mây tre đan xuất khẩu. Thật khó để khẳng định nghề có từ bao giờ. Người dân ở đây chỉ biết từ ngày thơ bé, đã thấy dọc khắp sân phơi các nan tre nứa và ông bà, cha mẹ khéo léo tạo ra những sản phẩm phục vụ cuộc sống. Rồi chính họ lại chứng kiến khoảng thời gian thăng trầm tưởng như mai một nghề của cha ông. Nhưng rồi bằng nhiều cách, họ vẫn bám trụ, giữ nghề và phát triển nghề cho đến ngày nay.
Làm nghề từ năm 10 tuổi cùng cha mẹ, cho đến nay bà Nguyễn Thị Lịch đã có hàng chục năm gắn bó với các sản phẩm mây tre đan. Suốt chặng đường đó, bà Lịch không thể quên dấu mốc của những năm 1970. Đó là khoảng thời gian các sản phẩm mây tre đan bắt đầu xuất khẩu ra nước ngoài trước niềm vui mừng của người dân và hi vọng một tương lai tươi sáng. Thời gian sau đó, làng nghề đứng trước nguy cơ mai một khi các thị trường liên tục bị thu hẹp, nhiều người bỏ nghề theo những công việc có kinh tế khá hơn. Nhưng với quyết tâm giữ nghề truyền thống của cha ông, bà Lịch và nhiều người dân Vạn Phúc vẫn kiên trì bám trụ, vượt qua những khó khăn để phát triển nghề. Cho đến giờ, gia đình bà Lịch là một trong những hộ sản xuất có quy mô tương đối lớn ở xã Vạn Phúc, các sản phẩm của gia đình bà xuất khẩuchủ yếu sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc). Bà luôn tự hào vì sản phẩm của gia đình mình làm luôn được thị trường đòi hỏi cao như Đài Loan tin tưởng lựa chọn và hợp tác lâu dài.
Ở Vạn Phúc, mây tre đan là nghề gần gũi, gắn bó với người dân. Đi dọc khắp Vạn Phúc là những tiếng lách tách và tiếng cười nói rộn ràng khi đan tre nứa của bà con. Hầu như các gia đình đều có người chẻ nan hay thực hiện một công đoạn nào đấy. Từ người trẻ, đến người già hay người nội trợ đều có thể làm bất cứ ở đâu và lúc nào. Hầu hết các sản phẩm đều được làm thủ công từ những đôi bàn tay khéo léo. Một số công đoạn có sự hỗ trợ của máy móc nhưng rất hạn chế. Vì thế, một sản phẩm đẹp hay không phụ thuộc rất nhiều vào bàn tay của người thợ.
Nghề mây tre đan Vạn Phúc không chỉ giúp địa phương phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho các hộ gia đình mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị của cha ông truyền lại. Sau khi được công nhận làng nghề truyền thống, xã Vạn Phúc đang lên kế hoạch đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới đông đảo người tiêu dùng mở rộng thị trường tiêu thụ, đồng thời quan tâm phát triển du lịch để nơi đây trở thành một điểm đến thú vị cho du khách muốn khám phá nghệ thuật và văn hóa truyền thống Việt Nam.
Thực hiện: Huyền Trang – Trọng Đại – Thùy Linh