Ngày nay, người dân trong làng không ai biết chính xác nghề mộc Chàng Sơn ra đời khi nào, ai là tổ nghề vì trong làng có nhiều ngôi đình nhưng không đình nào thờ Thần Hoàng làng làm nghề mộc. Chỉ biết theo truyền thuyết, nghề mộc Chàng Sơn có từ thời Vua Hùng dựng nước.
Người Chàng Sơn làm nhiều đồ mộc khác nhau từ tủ chè, tràng kỷ, bàn ghế, đồ thờ… nhưng mạnh nhất vẫn là làm nhà gỗ như làm đình, chùa, miếu mạo. Đặc biệt, 18 pho tượng La Hán nổi tiếng ở chùa Tây Phương đều được tạo tạc bởi bàn tay thợ tài hoa của các nghệ nhân làng mộc Chàng Sơn.
Ngoài chùa Tây Phương, bàn tay tài hoa của người thợ Chàng Sơn còn lưu dấu ấn trên một số công trình nổi tiếng của Việt Nam như đền Ba Vì, chùa Hà, Văn Miếu Quốc Tử Giám…
Theo người Chàng Sơn, phải mất từ 10-15 năm người thợ mới có thể đục được các loại hoa văn khó, nhiều đường nét. Thông thường, từ khi còn nhỏ, các bạn trẻ đã cầm đục, chạm tập tành theo người lớn, phải tích lũy kinh nghiệm hàng chục năm, đến lúc trưởng thành mới tự tin nhận các sản phẩm có họa tiết phức tạp.
Giữ nghề này không dễ vì đục và chạm gỗ đòi hỏi người thợ có tính kiên trì, khéo léo, tư duy hình khối. Đây là công việc mang tính sáng tạo nghệ thuật, một số sinh viên các trường mỹ thuật cũng thường xuyên đến xưởng để học hỏi kinh nghiệm và ghi chép phương pháp, lưu giữ các mẫu hoa văn cổ.
Trải qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, Chàng Sơn ngày nay vẫn không thiếu những người thợ tài hoa có thể làm nên những công trình lớn. Chàng Sơn hôm nay vẫn nổi tiếng khắp Xứ Đoài xưa bởi nghề mộc. Nối tiếp truyền thống, những người con nơi đây luôn mang những kiến thức mới về góp phần giữ gìn và xây dựng thương hiệu riêng cho quê hương.
Đáng quý nhất là lớp thế hệ thợ trẻ luôn cố gắng giữ được những giá trị cổ đang bị lãng quên trong xu thế công nghiệp hiện đại. Nhưng cũng chính nhờ vậy, sản phẩm mộc mỹ nghệ của làng đã đi khắp mọi miền đất nước và đến cả với bạn bè quốc tế.
|
Mời quý vị xem lại các chương trình đã phát sóng trên kênh Vietnam Journey tại đây.