Theo lịch sử ghi chép lại, chùa Hồi Long có từ thời nhà Lý, nằm ở trung tâm của tổng Ngọc Chuế, nay là xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Chùa xưa tọa lạc trên một cồn cát cao bằng phẳng, thuộc thế đất “Tọa sơn hướng thủy”, lưng tựa vào núi Linh Trường, mặt hướng về nơi gặp gỡ của hai dòng sông là sông Mã và sông Cung. Nhắc về ngôi chùa cổ linh thiêng này, nhân dân trong vùng thường nói tới tích “Rồng quay về” – bắt nguồn từ việc đặt tên cho ngôi chùa qua đôi câu đối nổi tiếng:
“Thiên khai Ngọc Chuế danh lam thắng
Địa dẫn Hồi Long cổ tích truyền”.
Trước năm 1945, đây còn là địa chỉ hoạt động cách mạng bí mật của cán bộ tiền khởi nghĩa. Những lớp học về chủ nghĩa Mác Lê-nin, về Cách mạng Tháng Mười Nga cũng được tổ chức nhiều đêm ở ngôi chùa này. Trải qua dãi dầu mưa nắng và sự tàn phá của chiến tranh, chùa đã xuống cấp và hư hỏng nặng, hầu như không còn gì.
Trước những yêu cầu cấp bách về tu học và phục vụ đời sống tín ngưỡng tâm linh cho nhân dân, tín đồ Phật tử trong và ngoài tỉnh, UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chùa Hồi Long để thực hiện dự án bảo tồn, tôn tạo di tích... Đến nay, với sự quan tâm của chính quyền và lòng hảo tâm công đức của khách thập phương, chùa Hồi Long đã được phục dựng ngày một khang trang hơn.
Chùa Hồi Long hôm nay được xây dựng trên một diện tích rộng lớn. Trong đó, nhà Tam Bảo được hợp thành bởi 3 gian hậu cung, trung đường, tiền đường, được dựng lên bởi 32 cây cột gỗ dài và 48 cột đá, sử dụng gần 400 khối gỗ với nhiều loại gỗ quý như đinh hương, chò chỉ, lim, sến... Phía trong chùa có 11 pho tượng được làm bằng gỗ và đồng trong đó pho tượng lớn nhất là tượng Phật Di Đà cao 3,3m.
Theo sư thầy Thích Nữ Đàm Ngoan, để xây dựng công trình này, nhà chùa đã mất nhiều công, đi nhiều nơi để nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc và những nét văn hóa đặc trưng thời nhà Lý, đồng thời cho mời nhiều thợ và nghệ nhân nổi tiếng từ Nam Định, Huế ra để xây dựng.
Nền chùa được tôn cao 1,8m, mái chùa cao thoáng với lối trang trí mái đao rồng phượng cầu kỳ góp phần tạo nên một quần thể kiến trúc đẹp mắt, thể hiện sự kết hợp văn hóa của nhiều vùng miền.
Lễ chùa đầu năm là một phần không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về, nơi con người tìm thấy sự bình yên, niềm tin, và hi vọng cho một năm mới tràn ngập niềm vui, hạnh phúc. Và như thế, vạn vật như đang thay đổi, lòng người như an yên.
Mời quý vị xem các chương trình Về chốn linh thiêng đã phát sóng tại đây./.