Video Làng nghề Việt

Nghề chế tác khèn của người Mông

Ở vùng đất Hà Giang quanh năm mây phủ, chẳng biết từ bao giờ, tiếng khèn Mông đã luôn réo rắt, và nghề làm khèn của người dân ở đây được những người đàn ông giữ gìn.
15:45 - 16/07/2020

Để làm được một chiếc khèn tốt phải mất nhiều công sức và thời gian. Trước hết, phải tìm được gỗ tốt để làm bầu khèn, thớ gỗ phải thẳng, không cong vênh, mối mọt. Khi tìm được gỗ, cắt khúc khoảng 80 cm, bổ đôi, khoét rỗng theo chiều dài thân cây. Sau đó áp hai thân cây vào như cũ rồi buộc chặt lại, để khi nào cây gỗ khô mới tiến hành tạo hình dáng cho bầu khèn, khoét lỗ trên thân khèn để lồng các ống trúc. Ống trúc làm khèn cũng phải chọn những cây trúc hơn 10 năm tuổi, thẳng đẹp, được hơ qua lửa. Một người đàn ông làm khèn đã quen tay như anh Quý cũng phải mất 2 đến 3 ngày mới làm xong một chiếc khèn.

Băng qua những đỉnh núi nhọn hoắt như chạy thẳng lên trời, băng qua những dòng sông nhỏ như sợi chỉ uốn mình dưới các chân núi, tiếng khèn của người Mông ở Hà Giang vang vọng. Tiếng khèn đắm say lòng người gọi bạn trong những phiên chợ tình. Tiếng khèn mở cửa thế giới tâm linh đưa người quá cố về với miền cực lạc. Tiếng khèn là một phần không thế thiếu trong văn hoá của người dân tộc Mông.

Kinh nghiệm bỏ túi: 

  • Để tìm hiểu về nghề làm khèn của người Mông bạn có thể ghé qua xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ; xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc... là nơi có những nghệ nhân vẫn gìn giữ nghề làm khèn.
  • Lưu ý, vì văn hoá của người dân tộc Mông khá độc đáo, nên khi ghé thăm những gia đình làm khèn Mông, hãy hỏi kĩ những điều người Mông kiêng kị để tránh gây ra những hiểu nhầm đáng tiếc.

Mời quý vị xem các chương trình Làng nghề Việt đã phát sóng tại đây./.