Video Làng nghề Việt

Nghề trồng dứa ở Bản Lầu - Điểm check-in hấp dẫn khi du lịch Lào Cai

Với vị dứa thơm, ngon, đặc biệt, tạo dư vị khó quên cho những ai từng được thưởng thức. Những cánh đồng dứa không chỉ góp phần phát triển kinh tế, mà còn là điểm đến cho những du khách phương xa tìm đến xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.
11:46 - 03/03/2023

Nghề trồng dứa ở Bản Lầu - Điểm du lịch trải nghiệm hấp dẫn khi đến Lào Cai

Từ những năm 1990, vùng dứa ở huyện Mường Khương bắt đầu được hình thành. Hiện nay, tổng diện tích dứa của toàn huyện đạt 1.500 ha tập trung chủ yếu tại 02 xã: Bản Lầu: 1.370 ha và Lùng Vai: 130 ha. Năng suất bình quân ước đạt 30 tấn/ha, sản lượng ước đạt 33.600 tấn. Cây dứa đã giải quyết lao động cho hàng nghìn bà con nông dân.
Thổ nhưỡng ở Bản Lầu được thiên nhiên ưu đãi, cho ra những quả dứa thơm, ngon, đặc biệt là có lượng đường cao hơn những giống dứa khác.
Những đồi dứa, xen kẽ là những đồi chè tạo nên cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, gợi cho du khách cảm giác yên bình đến lạ. Tới Bản Lầu vào khoảng thời gian này, chúng ta không chỉ được ngắm nhìn cánh đồng dứa xanh thơ mộng mà còn được thưởng thức những trái dứa tươi ngon ngay tại vườn.
Được cùng bà con nông dân thu hoạch dứa, quả là một kỉ niệm thú vị đối với du khách, không chỉ bởi không khí nhộn nhịp, khẩn trương của bà con mà còn có dịp được trải nghiệm hái dứa như những nông dân thực thụ.
Không chỉ phục vụ cho nhu cầu khách nội địa, dứa Bản Lầu còn được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới kể cả một số thị trường khó tính như châu Âu.
Trong những năm trước đây sản phẩm dứa được tiêu thụ chủ yếu sang thi trường Trung Quốc. Tuy nhiên từ năm 2021 đến nay, do thị trường tiêu thụ này bị thu hẹp, các sản phẩm từ dứa của huyện được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường nội địa, phục vụ các nhà máy chế biến trong và ngoài tỉnh. Đến thời điểm hiện tại trung bình một ngày lượng tiêu thụ đạt từ 80 đến 120 tấn. Ngoài sản lượng tiêu thụ cho những nhà máy tại Mường Khương, sản lượng còn lại được tiêu thụ cho các nhà máy chế biến tại một số tỉnh như Ninh Bình, Hưng Yên, Đồng Nai... thông qua các đầu mối là Hợp tác xã và các tư thương.
Những quả dứa ngon, ngọt chính là công sức, là mồ hôi nước mắt, là một nắng hai sương của người nông dân Bản Lầu. Kỹ thuật trồng dứa hay chăm bón cho cây được bà con học tập từ những nghiên cứu khoa học công nghệ, thêm vào đó là những kinh nghiệm sản xuất từ thực tiễn, đã tạo nên những quả dứa chất lượng, có thương hiệu. Rồi những vất vả, khó nhọc của bà con nông dân cũng đã được đền đáp. Năm 2022, dứa Mường Khương  được công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Đây không chỉ là niềm vui cho địa phương xã Bản Lầu, mà còn là sự phấn khởi cho bà con, từ đây, những cánh đồng dứa  như được reo ca, bởi từ đó sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển, mang lại cuộc sống ấm no hơn cho người dân bản Lầu.
Và để xứng đáng với thương hiệu đó, bà con nông dân đã hoàn toàn tuân thủ những quy tắc chặt chẽ trong việc chăm bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định, đảm bảo mang tới cho khách hàng sản phẩm thơm, ngon, sạch và chất lượng.
Dứa chín,  mứt dứa, dứa sấy khô, sấy dẻo, nước ép dứa... đều là những sản phẩm thơm, ngon, bổ sung nhiều chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Nhiều sản phẩm đa dạng đã đến với bếp ăn của các gia đình, đến với các siêu thị trên nhiều tỉnh, thành trong cả nước, cùng với việc xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương mà những đồi dứa thơm ngon ấy cùng với nhiều loại nông sản khác còn trở tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp cho địa phương trong tương lai không...