Nghề làm nón đã có mặt ở thôn Vĩnh Thịnh cách đây đã khoảng vài trăm năm. Tương truyền, nghề do ông Phạm Quảng quê ở xã Minh Linh, huyện Kinh Môn (Hải Dương) truyền lại cho người làng, thời gian cụ thể là khoảng năm nào thì không còn ai nhớ, chỉ biết có những gia đình đã vài đời làm nón.
Vào giai đoạn hoàng kim, nghề làm nón trở thành nguồn thu nhập chủ yếu của hầu hết người dân làng Vĩnh Thịnh. Nghề làm nón kết hợp với nghề đi buôn, nón Vĩnh Thịnh đi đến khắp mọi nơi, đời sống của người dân làng Vĩnh Thịnh này khấm khá lắm.
Nón lá Vĩnh Thịnh không nổi tiếng như nón Chuông ở Thanh Oai, Hà nội hay nón Huế. Nón Vĩnh Thịnh không phải là kiểu nón điệu đà trong các câu hát, câu thơ, mà là thứ nón “ăn chắc mặc bền” dành để đi ruộng hay ra vườn, thứ nón thô mà chắc chắn, như bao lâu nay người làng Vĩnh Thịnh vẫn tự hào về điều đó.
Phải trực tiếp đến thăm thôn Vĩnh Thịnh, bạn mới thấy sự dịu dàng của chiếc nón lá, sự tỉ mẩn của nghề làm nón hợp với cái hiền hòa, thơ mộng của vùng đất này đến nhường nào.
Và cứ như thế nón lá Vĩnh Thịnh trở thành một phần của vùng đất này, một phần không thể thiếu trong trái tim mỗi người dân làng Vĩnh Thịnh.
Nguyên Hạnh
Mời quý vị xem các chương trình Làng nghề Việt đã phát sóng tại đây./.