Làng Mui là tên nôm của thôn An Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội. Bánh dày làng Mui không nổi tiếng như bánh dày Quán Gánh, nhưng nếu nhắc về lịch sử ra đời thì có lẽ ít bánh dày ở đâu có thể so sánh được. Tương truyền, bánh dày làng Mui có từ thời Hai Bà Trưng. Câu chuyện người dân làng Mui làm bánh dày gắn liền với vị phò mã Hùng Nguyên tướng quân - chồng bà Trưng nhị - thành hoàng bản thổ làng Mui. Tương truyền năm 43 khi Mã Viện kéo quân sang xâm lược nước ta, Hùng Nguyên tướng quân đã cùng 80 trai làng đứng lên khởi nghĩa dưới cờ Hai Bà Trưng. Trong buổi tối trước ngày ra trận, dân làng đã làm bánh dày cho tướng quân và 80 chàng trai người con của làng mang theo lên đường. 72 chàng trai cùng vị phò mã đã hi sinh. Tên tuổi của họ được người dân làng Mui thờ phụng trang nghiêm, tôn kính. Bánh dày cũng từ đó mà trở thành một phần của làng Mui, không phải chỉ là một món ăn, mà còn là cả một lịch sử.
Bánh dày làng Mui có cả nhân mặn, nhân ngọt và bánh chay để ăn kèm với giò. Vỏ bánh mướt, không dính lại mềm thơm thơm mùi gạo nếp thoang thoảng mùi lá dong tạo nên một thức quà rất quê. Rất ngon. Đây chính là điểm tạo nên thương hiệu cho bánh dày làng Mui. Để làm được điều này, người dân làng Mui cực kì coi trọng khâu chọn gạo. Gạo được dùng để làm bánh thường là gạo nếp cái hoa vàng vùng Hải Hậu, Nam Định. Gạo được lấy về sẽ được đãi sạch, đem ngâm nước rồi thổi thành xôi. Người dân làng Mui có cách chọn gạo vô cùng đơn giản: nếu gạo để thổi xôi bình thường có giá 15.000đ/kg thì gạo để làm bánh dày giá phải 20, 22.
Thuở ban đầu, bánh dày làng Mui chỉ là một thức quà quê được mỗi gia đình làm vào các dịp hội làng để dâng lên ban thờ. Sau này, thứ bánh trắng ngần, thơm ngon ấy được nhiều người biết đến và hỏi mua. Sẵn cái nghề buôn bán, chạy chợ đã thành truyền thống, người dân làng Mui đem bánh dày trở thành một thứ đặc sản của địa phương, và làm bánh dày trở thành một nghề được truyền qua mấy đời trên mảnh đất này.
Mời quý vị xem các chương trình Làng nghề Việt đã phát sóng tại đây./.