Ngọc Quán tự được người dân làng Cót gọi nôm là Chùa Cót theo tên của làng. Nay chùa thuộc phố Yên Hòa, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Từ phố xá tấp nập bước qua cổng tam quan được xây khá cao, du khách bắt gặp hồ nước nhỏ dưới tán cây xanh tạo sự thoáng đãng cho cảnh quan của chùa. Ngọc Quán tự có tới 3 hồ nước ở 3 mặt khác nhau tạo cho không gian chùa thêm thanh bình.
Ngọc Quán tự hay chùa Cót có từ khoảng nửa đầu thế kỷ 17, mặt nhìn về hướng Tây Nam. Sau những năm tháng chiến tranh, chùa bị xuống cấp nghiêm trọng. Từ cuối thế kỷ 20, chùa bắt đầu được tôn tạo, tu bổ lại gần như toàn bộ các hạng mục với trên trăm gian nhà gỗ làm theo lối cổ tạo nên một quần thể quy mô bề thế trong khu vực nội thành Hà Nội. Tuy mới được tôn tạo nhưng với việc kế thừa nếp xưa cũng như chắt lọc những tinh hoa của cha ông, kiến trúc của chùa Cót hiện nay được duy trì phong cách nghệ thuật của thời Nguyễn, mang dáng dấp chùa xưa, tạo nên vẻ đẹp của một ngôi chùa Việt, với mái đao cong cong, lợp ngói mũi hài đặc trưng cho kiểu chùa Bắc Bộ đã tạo nên nét thân thuộc và gần gũi cho du khách.
Tiền đường của chùa Ngọc Quán rộng 7 gian 2 dĩ, xây liền với nhà thiêu hương. Ban thờ Phật được bài trí tôn nghiêm. Phần lớn tượng thờ của chùa Ngọc Quán hiện nay là được tu bổ và phục chế theo lối cổ.
Ngoài hệ thống tượng thờ, chùa Ngọc Quán còn rất nhiều di vật có giá trị khác như: cửa võng, hoành phi, câu đối gỗ, bia đá, khánh đồng, chuông đồng… Tất cả tạo nên những giá trị điêu khắc tinh xảo và không gian linh thiêng cho cửa Phật.
Chùa Cót còn được biết đến là một di tích lịch sử cách mạng. Năm 1945 các đoàn thể của Mặt trận Việt Minh đã quyên góp cứu tế tại chùa. Tối ngày 18/8/1945 chùa là nơi tổ chức mít tinh chào mừng chính quyền cách mạng. Sau ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, chùa là cơ sở tiếp tế cho bộ đội và tự vệ khu Đại La chiến đấu ở tuyến đường Cầu Giấy và Kim Mã. Tháng 12/1972, chùa được chọn làm sở chỉ huy của chiến dịch tiêu diệt pháo đài bay B52, bảo vệ bầu trời Thủ đô.
Mái chùa nơi đây được tôn tạo, tu bổ mang dáng xưa như một sự ngưng đọng của thời gian, một dấu lặng giữa những đổi thay của cuộc sống. Làng Cót xưa nổi tiếng với nghề làm giấy, nay đã thành phố thị đông đúc, hiện đại giữa lòng Hà Nội. Nhưng bên cạnh cái nhộn nhịp ấy, một Ngọc Quán tự bình yên hiện hữu để là nơi người dân có thể tìm đến chiêm bái Đức Phật và tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn./.
Mời quý vị xem các chương trình Về chốn linh thiêng đã phát sóng tại đây./.