Video Về chốn linh thiêng

Những điểm đến linh thiêng nơi vùng biên Móng Cái

Móng Cái – thành phố của những điểm đến tâm linh. Từng lớp ngói đền, từng khoảng sân đình nơi đây đều là một sự khẳng định chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc, khẳng định bản sắc Việt và con người Việt hàng nghìn năm qua.
19:27 - 05/03/2023

Những điểm đến linh thiêng nơi vùng biên Móng Cái

Được biết đến là mảnh đất cực Đông của Tổ quốc, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh có đường biên giới giáp với nước bạn Trung Quốc. Ở vào vị trí vô cùng đặc biệt ấy, nên mọi công trình tâm linh trên địa bàn thành phố Móng Cái đều không chỉ dừng lại phục vụ mục đích tín ngưỡng và nhu cầu thờ cúng của bà con nhân dân, mà mỗi công trình đều như một cột mốc khẳng định chủ quyền dân tộc, thể hiện cái hồn cốt người Việt và chứa chan tình yêu quê hương đất nước của những người con Móng Cái từ hàng trăm năm nay. Đền Xã Tắc chính là một trong những công trình tiêu biểu nhất hàm chứa đầy đủ những nét ý nghĩa này của một công trình tâm linh vùng biên.

Đền Xã Tắc tọa lạc tại một vị trí vô cùng đặc biệt: cạnh bờ sống Ka Long – ranh giới biên giới Việt – Trung thuộc phường Ka Long, TP.Móng Cái.

Theo Hồ sơ xếp hạng di tích, đền được xây dựng vào khoảng cuối thế kỉ XIII, đầu thế kỷ thứ XIV dưới thời nhà Trần để thờ thần Xã Tắc – Bản cảnh thành hoàng của châu Móng Cái xưa. Tại đây thờ Xã Tắc Đại Vương, Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, Cao Sơn Đại Vương, Long thần thổ địa của bản thôn và các vị tiên công của những dòng họ đã có công đến khai khẩn vùng đất này.

Trải qua sự đổi thay của thời gian, sự biến động của lịch sử, đền Xã Tắc cũng kinh qua không ít lần thay đổi cả về diện mạo lẫn vị trí đền. Tuy nhiên, dưới thời đại nào, đền Xã Tắc vẫn mang đầy đủ những nét kiến trúc của mái đền Việt cổ với đầu đao cong, lợp ngói đỏ, xây dựng chủ yếu bằng gỗ lim...

Cũng như bao ngôi đền khác trên khắp cả nước, đền Xã Tắc thể hiện cho tinh thần uống nước nhớ nguồn của thế hệ sau dành cho các bậc tiền bối đã có công với mảnh đất này thuở sơ khai. Tuy nhiên, việc thờ thần Xã Tắc tại vùng biên ải này còn mang ý nghĩa thể hiện cho nguyện vọng, ý chí: từ thiên tử cho tới thứ dân cùng tôn sùng, xây dựng, giữ gìn một biểu tượng quốc gia, dân tộc, cụ thể là tinh thần độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ. Ngôi đền đã trở thành một “cột mốc” vững bền khẳng định chủ quyền lãnh thổ Quốc gia, ghi dấu ấn lịch sử nơi ông cha ta thời trước trấn yên bờ cõi và khẳng định nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân Việt Nam nơi địa đầu biên cương của Tổ quốc.


Thực hiện: Nguyên Hạnh - Trọng Đại.


Mời Quý vị và các bạn đón xem những nội dung khác trong chương trình "Về chốn linh thiêng" tại đây.