“Con trai không biết thổi khèn thì cây ngô không mọc, con gái không biết nghe khèn thì dòng suối không biết chảy đi đâu...” đó là câu dân ca người Mông hay hát trong những lúc lao động trên nương bao đời nay. Giữa đại ngàn đá xám, tiếng khèn là thứ gắn với họ trên mọi nẻo đường thiên lý, là tiếng lòng của họ lúc tiễn biệt nhau về bên kia thế giới, lúc nhớ thương người yêu, lúc vui mùa xuân đến...
Thổi khèn hay đã khó mà làm ra được cây khèn Mông tốt lại càng khó hơn, vì bản thân người làm khèn phải là người nắm giữ được cái hồn cốt trong tiếng khèn truyền thống của dân tộc mình.
Một trong những nguyên liệu làm nên cây khèn Mông chính là từ những cây trúc ven suối, ven rừng. Mà phải là cây trúc già, trên 10 năm tuổi và phải thẳng, chắc và đẹp.
Chế tác khèn trước nay vẫn là công việc thủ công của đồng bào dân tộc Mông. Các nghệ nhân làm khèn thủ công thường đo bằng tay, ngắm bằng mắt để làm khèn mà không có quy chuẩn chung. Nhưng tại một số địa phương, để bảo tồn nghề làm khèn truyền thống của đồng bào, chính quyền đã hỗ trợ người dân trang bị một số máy móc để thuận lợi hơn trong công việc. Tuy nhiên, một người thợ giỏi vẫn chủ yếu dựa vào con mắt, vào cảm nhận, kinh nghiệm lâu năm để biết khi nào chiếc khèn đạt chuẩn.
Những phiên chợ vùng cao bao giờ cũng là nơi vui nhất, đáng mong chờ nhất của bà con các dân tộc. Họ xuống chợ, mang theo đủ các loại nông sản, hàng hóa để mua bán, trao đổi. Và cũng không bao giờ thiếu những cây khèn Mông.
Xuống chợ, nghe tiếng khèn gọi bạn, thấy niềm vui như rộn ràng hơn trong lồng ngực...
Giữa núi rừng Tây Bắc, những thanh âm trong trẻo của tiếng khèn vang cao, vang xa, hòa trong không gian hùng vĩ của đại ngàn là minh chứng rõ nét nhất cho vẻ đẹp văn hoá truyền thống, là niềm tự hào bao đời nay của đồng bào Mông nơi cao nguyên đá Đồng Văn.
Lê Liên – Nguyên Hạnh – Trọng Đại
Mời quý vị xem các chương trình Làng nghề Việt đã phát sóng tại đây./.