Nón Chuông – Sức sống đi cùng thời gian
Nón Chuông vốn nổi tiếng khắp vùng qua hàng trăm năm, gắn bó với người dân làng Chuông, nay thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội. Nghề làm nón ở ngôi làng cổ bên đê sông Đáy đã có lịch sử lâu đời mà đến bây giờ, trong nhịp sống hối hả của đô thị vẫn lưu giữ cho nơi đây một nét bình yên. Đâu đó vẫn là những góc quê xưa thanh bình, những bà, những chị cần mẫn làm ra chiếc nón lá mộc mạc như thuở nào - một vẻ đẹp tưởng chừng chỉ còn trong kí ức vẫn hiện hữu trong đời sống hôm nay.
Để có chiếc nón đẹp phải trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ. Đầu tiên phải kể đến lá làm nón. Nón làng Chuông có nhiều loại nên lá làm nón được sử dụng từ 2 loại: Lá lụi và lá cọ. Lá lụi được người dân làng Chuông gọi là lá non, còn lá cọ được gọi là lá già. Lá làm nón là lá được lấy ở phần ngọn, vò với cát để lá được trắng, được đem phơi nắng cho khô, phơi sương cho mềm.
Nón đẹp thì cần có khung vững chắc. Nón lá truyền thống làng Chuông có 16 vòng, vòng ngoài cùng to nhất, rộng nhất, các vòng sau nhỏ dần theo hình khuôn nón. Mỗi vòng này phải được vót thật đều tay mới tạo ra một chiếc nón đẹp. Trên nền khung chắc chắn, từng lớp lá được xếp lên tạo hình với 3 lớp: Lớp lá lót, lớp mo, sau đến lớp lá ngoài. Tiếp đến là công đoạn thắt nón, tức là khâu nón. Người ta khâu nón bằng sợi cước. Từng mũi kim đều đặn đưa lên, đưa xuống. Từng bàn tay thoăn thoắt đưa kim để mỗi mũi thật đều, thật đẹp. Nhìn vào mũi khâu là có thể biết bàn tay người thợ nào khéo được lưu dấu trên từng chiếc nón.
Nón khi đã hoàn chỉnh hình hài, có thể được làm đẹp thêm bằng các họa tiết trang trí là những bông hoa bằng giấy đủ màu. Rồi tiếp đến là công đoạn đan nhôi, tức là dùng len khâu phần để buộc quai nón. Phần nhôi có thể sử dụng đơn giản chỉ là len một màu hoặc dùng nhiều loại màu len kết hợp để trang trí nổi bật thêm cho chiếc nón. Phần quai nón là những dải lụa mềm, nhiều màu sắc làm nổi bật thêm cho người đội...
Nón quai thao và nón ba tầm là những loại nón được cha ông xưa ở đất làng Chuông đã làm, nay được thế hệ con cháu khôi phục theo nhu cầu đặt hàng. Dù có hình dáng khác, nhưng cách làm nón quai thao và nón ba tầm về cơ bản cũng giống như nón lá. Nếu nón lá có cả 2 loại, nón lá non và nón lá già thì với nón quai thao và nón ba tầm chỉ được làm từ 1 loại lá già, tức lá cọ. Từng gân lá nổi lên tạo thành những lớp sóng xoay tròn thật đẹp mắt.
Không chỉ duy trì những loại nón truyền thống, người dân làng Chuông bây giờ còn bắt nhịp với đời sống hiện đại để sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới, có tính ứng dụng cao để tinh hoa nghề của cha ông có sức sống mới trong cuộc sống đương đại. Đó là những chiếc nón được cách điệu kết hợp với lớp ngoài là lụa Hà Đông để tạo nên một nét đẹp riêng. Đó là những chiếc nón với nhiều kích cỡ được xâu lại thành một chuỗi để thành sản phẩm lưu niệm mà du khách có thể mang đi xa dễ dàng, để vẻ đẹp của nón lá Việt Nam được theo chân du khách đi muôn phương. Đó là những chiếc nón nhà sư với kiểu dáng được lấy cảm hứng từ chiếc nón trong phim cổ trang tạo nên một sản phẩm lạ mắt trong cuộc sống hiện đại...
Nghề làm nón làng Chuông giờ đây còn trở thành một sản phẩm du lịch. Không chỉ là những nhóm khách nhỏ lẻ yêu thích tinh hoa nghề Việt tới từng hộ dân để tham quan, trải nghiệm mà có rất nhiều đoàn khách được tổ chức bài bản. Những em nhỏ được đến tận làng Chuông để trực tiếp tìm hiểu các công đoạn làm nón đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu như thế nào. Những bài học sinh động khác hẳn những giờ học trên lớp giúp các em hiểu thêm sự sáng tạo của bao thế hệ cha ông thông qua một sản phẩm đặc trưng của làng quê Việt, của dân tộc Việt. Sau những giờ tìm hiểu công việc của những người thợ làm những chiếc nón lá thủ công, các em được tự do sáng tạo những nét vẽ trên chiếc nón lá xinh xinh đầy thân thương. Hàng trăm năm đã trôi qua, nghề làm nón ở làng Chuông trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây tự bao đời. Niềm tự hào ấy đã tạo nên một bản sắc văn hóa cho ngôi làng cổ. Và chiếc nón thân thương ấy cũng đã đi vào ca dao xưa “nón Chuông, khua lụa, quai thao làng Đơ” để chẳng ai có thể quên chiếc nón làm duyên cho người phụ nữ Việt đã trường tồn cùng dân tộc. Đến hôm nay, sự hiện diện của những chiếc nón trong đời sống cho thấy một sức sống bền bỉ qua năm tháng, để người dân làng Chuông thêm tự hào về truyền thống của cha ông./.
Biên tập: Việt Hoa - Trọng Đại