Từ bao đời nay, nghề làm hủ tiếu được các gia đình ở quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ giữ gìn như một nét văn hóa tinh tế và độc đáo của địa phương. Đi chơi chợ nổi Cái Răng, rồi ghé vào thăm quan các lò hủ tiếu nằm bên sông đã trở thành một lịch trình của bất kì du khách nào lần đầu ghé tới Cần Thơ.
Nghề hủ tiếu xuất hiện trên mảnh đất Cần Thơ cách đây phải hơn 50 năm, ở mảnh đất này có những gia đình đã 3, 4 thế hệ cùng lớn lên, trưởng thành rồi già đi bên những lò hủ tiếu.
Một mẻ hủ tiếu ngon ra đời là sự hòa trộn của gạo ngon, bếp đủ lửa và thời tiết được nắng. Nghĩa là thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Trong đó những bếp lò tráng bánh được xem là linh hồn của một lò hủ tiếu.
Khi những chiếc bếp lò đã đỏ lửa, người thợ bắt đầu tráng bột. Bột được múc một lượng vừa đủ, trải đều trên mặt bếp. Người thợ tráng phải đều tay, canh lửa, canh thời gian để bánh vừa đủ chín, mỏng và mướt. Một người tráng, một người nhấc bánh ra rồi đặt lên những chiếc phên, cứ nhịp nhàng như vậy bao nhiêu năm qua.
Sau khi những tấm phên đã được phủ những mẻ bánh nóng hôi hổi, người thợ sẽ vận chuyển hủ tiếu ra những khoảng sân rộng rãi và thoáng đãng để phơi. Phơi hủ tiếu không phải là một công việc đơn giản, người thợ phải canh thời tiết, canh nhiệt độ để đảm bảo hủ tiếu vừa đủ khô, không ẩm quá làm cho hủ tiếu bị mốc, cũng không được giòn quá dễ vỡ, vụn.
Cũng như nhiều làng nghề truyền thống khác chật vật trong cơ chế thị trường, nghề làm hủ tiếu ở Cần Thơ đã có lúc vô cùng khó khăn, số lượng các lò hủ tiếu còn đỏ lửa cứ ít dần, một nghề truyền thống lâu đời tưởng chừng sẽ rơi vào quên lãng.
Để cứu lấy một nghề truyền thống của cha ông, nhiều cá nhân, nhiều lò hủ tiếu đã tìm cách gắn du lịch với nghề truyền thống, mời các cụ già trong địa phương – nhưng người đã có cả cuộc đời gắn bó với cái nghề này tham gia vừa sản xuất vừa trò truyện cùng du khách. Nghề làm hủ tiếu ở Cần thơ đã được vực dậy như thế.
Và những lò hủ tiếu ở mảnh đất Cần Thơ vẫn luôn đỏ lửa như tình yêu của những người con trên mảnh đất này dành cho nghề truyền thống của ông cha luôn rực cháy, hàng chục năm qua.
Mời quý vị xem các chương trình Làng nghề Việt đã phát sóng tại đây./.