Phủ Quảng Cung: Điểm đến tâm linh thu hút khách thập phương
Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, dân gian ta có câu “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”, “Cha” ở đây là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, còn “Mẹ” ở đây là thánh mẫu Liễu Hạnh. Thánh mẫu Liễu Hạnh là một trong “Tứ bất tử” là một huyền thoại về việc nhân dân ta tôn vinh và thờ phụng “bốn vị thánh không bao giờ chết”. Thánh mẫu Liễu Hạnh với 3 lần “tam sinh tam hóa” là một nhân vật có vị thế vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của Việt Nam. Phủ Quảng Cung ( hay còn gọi là Phủ Nấp), thôn Vỉ Nhuế, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định là nơi thờ phụng, ghi dấu lần giáng sinh thứ nhất của Thánh Mẫu. Phủ Quảng Cung trở thành một địa chỉ tôn giáo tín ngưỡng quan trọng trong đời sống nhân dân.
Trên câu đối của phủ chính Tiên Hương ở Phủ Dày có ghi: “Tam thế luân hồi, vu Vỉ Nhuế, vu Vân Cát, vu Nga Sơn ngũ bách dư niên quang thực lục. Lịch triều ba cổn, vi đế nữ, vi đại vương, vi chúng mẫu, ức niên van cổ điện danh bang” (Ba kiếp giáng trần, ở Vỉ Nhuế, ở Vân Cát, ở Nga Sơn, đến nay đã hơn năm trăm năm sự tích sáng ngời trong sử sách. Các triều phong tặng là con vua, là đại vương, là Thánh Mẫu, Ngàn năm vạn thủa rạng non sông). Thông qua câu đối này cũng phần nào khẳng định Phủ Quảng Cung chính là nơi đầu tiên Thánh mẫu Liễu Hạnh giáng sinh. Với ý nghĩa lịch sử, giá trị nghệ thuật kiến trúc, lễ hội, năm 2013, Phủ Quảng Cung được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia và được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam trao bằng Bảo trợ di sản năm 2011.
Thực hiện: Lan Anh – Ngọc Lệ - Sỹ Thành.
Mời Quý vị và các bạn đón xem những nội dung khác trong chương trình "Về chốn linh thiêng" tại đây.