Video Làng nghề Việt

Rèn Bàn Mạch – Giữ lửa trăm năm

Từ lâu, với đôi bàn tay khéo léo của những người thợ, sản phẩm rèn Bàn Mạch trở thành một thương hiệu không chỉ có tiếng tăm trong vùng, mà còn vang xa khắp cả nước. Người dân Bàn Mạch, trăm năm qua vẫn luôn giữ đỏ ngọn lửa làng nghề truyền thống.
14:25 - 24/01/2024

Rèn Bàn Mạch – Giữ lửa trăm năm

Tiếng rộn ràng của các loại kim loại va chạm vào nhau là thanh âm nổi bật nhất ở Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Thanh âm này đủ để nói lên sức sống bền bỉ của một làng nghề tồn tại cả trăm năm. Người dân ở đây không biết chính xác nghề rèn của quê mình có từ bao giờ, chỉ biết khi họ sinh ra và lớn lên, đã rất quen thuộc với tiếng tiếng búa, tiếng đe, tiếng đánh sắt, đã thấy ông cha họ gắn bó với công việc cho ra đời các sản phẩm sắt thép phục vụ cuộc sống, lao động. Điều đó chứng tỏ, nghề rèn ở mảnh đất này đã có từ rất lâu và là kế sinh nhai của biết bao gia đình, thế hệ. Cũng như nhiều nghề truyền thống khác, nghề rèn ở Bàn Mạch cũng trải qua các giai đoạn thăng trầm, khó khăn khi phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm nhập ngoại. Nhưng vượt qua tất cả, người thợ ở đây vẫn bằng cách này cách khác mở rộng thị trường, gìn giữ và tạo sức sống bền bỉ cho nghề của cha ông phát triển.

Rèn Bàn Mạch hay còn gọi là rèn Lý Nhân. Hiện, ở đây có vài chục hộ và cơ sở sản xuất các sản phẩm rèn được chia làm hai khu vực. Một khu vực truyền thống và một khu vực làm nghề tập trung. Tại khu vực truyền thống mà người dân ở đây quen gọi là sản xuất trong làng, là nơi người thợ làm nghề tại gia đình hoặc những khu vực gần nhà. Phần lớn các hộ này vẫn sản xuất theo phương pháp thủ công là chính, máy móc chỉ hỗ trợ người thợ ở một số công đoạn.

Trong không gian nhỏ, bên gốc cây già lâu năm, vợ chồng anh Nguyễn Văn Toản đang gấp rút hoàn thành các sản phẩm để kịp chuyển vào Tây Nguyên giao hàng cho bà con chăm sóc vườn cà phê. Theo cha làm rèn từ nhỏ, qua hàng chục năm rèn giũa, những bí quyết của cha ông đã thấm vào từng động tác của người thợ này. Đối với họ, tiếng đánh sắt vang lên mỗi ngày đã trở thành thanh âm của niềm vui cuộc sống. Từ thanh âm đó, mỗi ngày họ làm ra hàng chục sản phẩm với độ bền, chắc, đẹp được người tiêu dùng nhiều nơi yên tâm lựa chọn.

Để tạo ra một sản phẩm chất lượng, tất cả các khâu đều quan trọng và đòi hỏi người thợ phải làm tỉ mỉ, cẩn thận bằng hết khả năng tay nghề của mình. Trong rèn có một khâu cần chú ý nhiều, đó là quá trình trui. Trui hay tôi là cách làm nhanh chóng đưa kim loại trở về nhiệt độ bình thường sau khi xử lý nhiệt đẻ tăng độ cứng của kim loại. Mỗi làng nghề rèn có một bí quyết tui khác nhau, làng Bàn Mạch cũng vậy. Khác nhau bởi cách làm không đi ra từ sách vở, mà qua bí quyết và kinh nghiệm được truyền lại từ đời này qua đời khác. Bàn Mạch có phương pháp bổ thép với nước tui không vùng nào có được. Với tỉ lệ sắt thép phù hợp, nhiệt độ vừa đủ và cách dùng nước trui, các sản phẩm đã ra đời mang đặc trưng riêng. Không chỉ sử dụng đôi tay để đánh sắt, người thợ còn phải kết hợp cả đôi tai và con mắt để nhìn tia lửa hoặc nghe tiếng sắt cũng có thể biết sản phẩm đạt hay chưa. Người thợ càng lâu năm, tay nghề càng cao, sản phẩm làm ra càng chất lượng.

Bên cạnh khu làm nghề truyền thống, những năm qua, Bàn Mạch cũng xây dựng một khu làm nghề tập trung đảm bảo về môi trường, tránh tiếng ồn và ô nhiễm, chuyên môn hóa làng nghề. Đây là các hố sản xuất quy mô lớn với các xưởng áp dụng cơ khí hóa, giải phóng sức lao động của người thợ và tạo ra nhiều sản phẩm hơn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng khắp cả nước. Dù áp dụng máy móc, nhưng yếu tố con người và bí quyết riêng vẫn tạo ra những sản phẩm khác biệt và chất lượng mang thương hiệu của Bàn Mạch. Nhờ vậy, mỗi ngày các sản phẩm tạo ra không còn dừng lại ở còn số một vài mà đã lên cả trăm.

Những sản phẩm ở đây rất đa dạng phong phú, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu trong đời sống của người dân, nhất là phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp như liềm, cuốc, xẻng, dao, kéo, mác… Nhiều sản phẩm của Bàn Mạch cũng đạt chất lượng quốc gia. Thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng từ miền núi phía Bắc đến Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên thậm chí còn được tiêu thụ ở các thị trường như Lào, Campuchia… Một thương hiệu làng nghề đã được khẳng định cả trăm năm qua vẫn đang ngày càng được quan tâm, đầu tư, mở rộng để phát triển.

Nghề rèn góp phần đáng kể làm “thay da đổi thịt” cho cuộc sống của dân làng mà như người dân nói đã từng nghèo khó. Nhờ nghề của cha ông để lại, người dân Bàn Mạch không phải lo tha phương mưu sinh như nhiều vùng đất khác. Họ giữ nghề, gắn bó với nghề và từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống. Hiện, các gia đình ở đây đều có kinh tế khá giả. Sống được bằng nghề chính là một trong những yếu tố giúp nghề truyền thống phát triển. Vì thế, lửa luôn đỏ ở nơi này, tiếng đe, tiếng búa vang lên đều khắp cả làng quê và những bí quyết, tay nghề được truyền qua các thế hệ./.