Video Làng nghề Việt

Rộn ràng thanh âm Phúc Sen

Người Nùng An sống ở Phúc Sen, Cao Bằng có một nghề truyền thống tồn tại hàng trăm năm nay, đó là nghề rèn. Với những bí quyết được truyền lại của cha ông, cho đến bây giờ, Phúc Sen vẫn luôn rộn ràng thanh âm của một làng nghề có sức sống lâu đời.
16:01 - 07/06/2021

Những âm thanh rất đặc trưng ở Phúc Sen: tiếng đập lá thép, tiếng rèn, tiếng mài vang lên từ sáng đến tối tạo nên sự nhộn nhịp của một làng nghề có truyền thống lâu đời.

Phúc Sen là một xã nằm trên trục đường nối từ thành phố Cao Bằng đến thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh. Do nằm ở vị trí thuận lợi trên cung đường du lịch nên lượng khách đến Phúc Sen để tìm hiểu về nghề truyền thống cũng tương đối nhiều. Tại đây, có cả trăm gia đình gắn bó với nghề từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Mỗi làng rèn lại có bí quyết để tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu riêng của địa phương. Người Nùng An ở Phúc Sen cũng có những cách làm riêng cho nghề truyền thống của mình. Đó là những vốn liếng học hỏi được từ cha ông. Không qua trường lớp đào tạo hay sách vở nào, những người thợ này được chính người thân trong gia đình truyền dạy, rồi với thời gian, kinh nghiệm của họ được đúc kết. Từ những đôi mắt quan sát tinh tường, đến đôi tay khéo léo và cả đôi tai biết phân biệt các thanh âm, họ đã tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ cho sản xuất, đời sống.

Khâu chọn nguyên liệu đóng vai trò quan trọng để tạo ra một sản phẩm chất lượng. Người Nùng An thường chọn miếng nhíp ô tô không còn sử dụng để rèn bởi tính đàn hồi và độ dẻo cao. Từ những miếng nhíp nhiều kích thước, người thợ bắt đầu các thao tác để chế tạo ra nhiều loại sản phẩm khác nhau phù hợp với nhu cầu sử dụng đa dạng của khách hàng.

Ở Phúc Sen, nhiều gia đình vẫn dùng lò đá truyền thống được xây bằng rơm và trấu để nung. Người Nùng An cũng khá cầu kỳ trong việc chọn than đốt lò. Đó phải là than củi từ các loại gỗ cứng. Bởi theo họ, loại than này giữ nhiệt và mau đỏ.       

Dù được hỗ trợ bởi một số công cụ kỹ thuật hiện đại, nhưng phần lớn các công đoạn vẫn được người thợ Phúc Sen làm thủ công. Ở mỗi công đoạn, người thợ không có bất cứ công thức chung nào. Vì thế, thước đo để đánh giá độ lành nghề chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, cũng như sự phối hợp nhịp nhàng giữa đôi mắt, đôi tay và đôi tai. 

Trong các công đoạn thì khó làm và quyết định đến chất lượng sản phẩm nhất chính là tôi thép. Công đoạn này thường do những người thợ giàu kinh nghiệm thực hiện. Khi tôi thép, người thợ chỉ nhúng sản phẩm đang rèn xuống nước trong khoảng từ 1 đến 2 giây, nếu lâu quá thép sẽ bị hỏng. Để biết độ già, non của thép khi tôi, người thợ nhìn màu sắc của ánh thép. 

Các sản phẩm rèn của Phúc Sen ngày càng đa dạng từ sản phẩm đến mẫu mã. Để những chiếc dao, chiếc liềm vốn đơn sắc trở nên sinh động, người thợ trong quá trình sản xuất đã tạo thêm các họa tiết chỉ bằng vài thao tác đơn giản. 

Rèn là nghề vất vả, đòi hỏi nhiều công sức. Nhưng khi đã gắn bó, tạo ra các công cụ phục vụ cho cuộc sống và sản phẩm mang thương hiệu Phúc Sen được khách hàng xa gần đón nhận, đó cũng là niềm vui, tự hào của mỗi người thợ Nùng An.

Mời quý vị xem các chương trình Làng nghề Việt đã phát sóng tại đây./.