Video Về chốn linh thiêng

Sắc nâu thời gian

Những công trình tồn tại cả trăm năm, được xây bằng chất liệu gỗ, mang sắc nâu thâm trầm của thời gian, Nhà thờ gỗ và Tòa giám mục Kon Tum ẩn chứa nét thời gian của vùng đất tươi đẹp.
08:17 - 21/04/2021

Là tỉnh xa nhất về phía bắc của khu vực Tây Nguyên, Kon Tum hiện lên với vẻ đẹp còn mang những nét hoang sơ, thanh bình của vùng đất ngã ba Đông Dương. Với những ai đã đi dọc Tây Nguyên, khi đến Kon Tum sẽ nhận thấy một nét khác biệt. Nét khác biệt ấy nằm trong khung cảnh hữu tình, khí hậu mát mẻ và cuộc sống chậm dãi, dường như ít xồ bồ còn giữ được sắc thái truyền thống của buôn làng cao nguyên. 

Kon Tum theo tiếng Bahnar có nghĩa là làng hồ do nằm ở vị trí đặc biệt được sông Đak Bla bồi đắp. Đây cũng là vùng đất của nhiều dân tộc sinh sống, trong đó có sự di cư của những người đến từ những vùng đất khác nhau. Người Pháp cũng lên cao nguyên này từ những năm 1841-1850 và đăt cơ sở Thiên chúa giáo tại đây.

Ở Kon Tum có rất nhiều công trình Thiên chúa giáo. Nhưng quan trọng và to đẹp nhất phải kể đến hai công trình, giờ đã trở thành biểu tượng của Kon Tum và là điểm du lịch hấp dẫn du khách.

Trước hết phải kể đến Nhà thờ Chánh tòa Kon Tum hay còn gọi là nhờ thờ gỗ. Nhà thờ Chánh tòa Kon Tum ngày nay thuộc Giáo phận Kon Tum, là một trong 27 giáo phận Công giáo Roma tại Việt Nam, là giáo phận lâu đời nhất vùng Tây Nguyên. 

Nhà thờ gỗ kon Tum được linh mục người Pháp Giuse Decrouille cho xây dựng từ năm 1913, đến năm 1918 công trình hoàn thành. Công trình được những đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân vùng đất Bình Định, Quảng Ngãi khéo léo tạo nên, với diện tích lên đến 700m2 cùng nhiều hạng mục khác nhau như giáo đường, nhà khách, nhà trưng bày. Nhà thờ gỗ là công trình có ý nghĩa với người dân Bahnar sống trong vùng.

 Nhà thờ Chánh tòa Kon Tum được gọi là nhờ thờ gỗ bởi lẽ nguyên liệu chủ yếu để xây dựng là gỗ cà chít, là một loại gỗ mọc rất nhiều ở vùng đất Tây Nguyên trước kia. Nhà thờ gỗ được thiết kế là sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa phương Tây và những nét bản địa đặc sắc của vùng Tây Nguyên. Đó là sự đan xen giữa  kiến trúc Roma với kiến trúc nhà sàn của người Bahnar và phần mái mang dáng dấp của mái nhà rông Bahnar. Có điều đặc biệt trong kết cấu của công trình này đó là không dùng bê tông, cốt thép hay vôi vữa, cũng không sử dụng đinh vít, các tấm gỗ được kết nối với nhau chỉ bằng mộng.

Nằm cách không xa Nhà thờ gỗ là Tòa Giám mục Kon Tum. Nơi đây cũng được coi là một trong những địa chỉ văn hóa đặc sắc ở thành phố Kon Tum. 

Hàng sứ (cây đại) cổ thụ, một trong những con đường được mệnh danh đẹp của Kon Tum, là lối dẫn vào Tọa Giám mục. Phía trước công trình là nơi đặt tượng Đức Cha Martial Jannin Phước vị Giám mục đầu tiên của Giáo phận Kon Tum và cũng là người có công thành lập Tòa giám mục này. 

Tên gọi đầy đủ của Tòa Giám mục là Chủng viện Thừa Sai Kon Tum. Đây là cơ sở Công giáo lớn nhất khu vực Tây Nguyên, quản lý giáo phận cả hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai.

Chủng viện thừa sai Kon Tum được xây dựng vào năm 1935 và hoàn thành vào năm 1938 với lối kiến trúc kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Tây và kiến trúc dân tộc bản địa. Vật liệu chính của công trình này là gỗ được lấy trong rừng núi của Kon Tum trước kia, có độ bền cao trước những nắng mưa của thời gian.