Hiện nay, một số gia đình ở Kon K’tu trồng lại cây bông trong vườn nhà để làm sợi. Vẻ đẹp và nét mộc mạc của sợi tự nhiên vẫn tạo nên sự đặc sắc cho tấm thổ cẩm. Trước thổ cẩm của dân tộc Bahnar chỉ có 4 màu đen, trắng, đỏ, vàng, nay họ đã biết kết hợp nhiều nguyên liệu khác nhau để đa dạng màu sắc. Cách nhuộm thủ công và mỗi màu sắc là một loại lá, loại cây quen thuộc của núi rừng Tây Nguyên.
Họa tiết thổ cẩm Bahnar khá độc đáo. Nó thể hiện thế giới nhân sinh quan, là tâm tư, tình cảm của người phụ nữ. Mỗi họa tiết lại mang những ý nghĩa khác nhau, là câu chuyện về đời sống của buôn làng mà ở đó có thiên nhiên, cỏ cây, ngôi nhà… những thứ rất gắn bó với con người.
Họa tiết trong thổ cẩm Bahnar rất đa dạng với nhiều cấp độ hoa văn từ đơn giản đến phức tạp. Ẩn trong mỗi hoa văn ấy là một ý nghĩa riêng biệt, là những câu chuyện phụ nữ Bahnar lưu truyền từ đời này sang đời khác, không chỉ kể cho nhau nghe về cuộc sống của chính họ mà còn giới thiệu với bạn bè xa gần về nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Khi máy móc hiện đại ra đời, họ vẫn chọn cách dệt thủ công với bộ khung dệt truyền thống. Bộ khung dệt dễ dàng di chuyển thuận tiện cho việc chọn không gian để dệt. Vì thế, khi đến với Kon K’tu, hình ảnh những người phụ nữ ngồi dệt bên hiên nhà, hay trong những khung cảnh đậm chất buôn làng Tây Nguyên là bức tranh mang bản sắc riêng đầy thi vị.
Thổ cẩm không chỉ là một loại trang phục, đó còn là một nét văn hóa đẹp cần được gìn giữ và giới thiệu rộng rãi.
Mỗi tấm thổ cẩm không chỉ thể hiện sự khéo léo, tỉ mẩn, còn thể hiện tài năng của người phụ nữ Bahnar. Mỗi sợi chỉ là sợi kết nối của thời gian, của những câu chuyện khác nhau về cuộc sống muôn đời của người Bahnar.
Đó chính là cách để phụ nữ Bahnar gìn giữ những giá trị vật chất cũng như tinh thần của buôn làng, phát huy di sản và nét văn hóa đặc sắc nguồn cội trước thách thức của cuộc sống hiện đại.
Mời quý vị xem các chương trình Làng nghề Việt đã phát sóng tại đây./.