Video Làng nghề Việt

Sức sống của nghề chạm khắc gỗ ở Đại Vi

Trải qua những bước thăng trầm, nghề mộc Đại Vi, tỉnh Bắc Ninh nhiều năm gần đây được người dân vực dậy, chú trọng xây dựng thương hiệu nhà gỗ Việt cổ, không chỉ phát triển kinh tế cho bà con địa phương mà góp phần gìn giữ nghề truyền thống của cha ông.
17:42 - 17/09/2020

Đại Vi là ngôi làng cổ với bề dày lịch sử hình thành từ thời Đinh mà bằng chứng là sự hiện hữu của các di tích lịch sử từ thế kỷ X. Nơi đây còn giữ được một số nghề truyền thống trong đó có nghề mộc. 

Mỗi một nghề thủ công không chỉ tạo ra những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế mà còn chứa đựng các giá trị lịch sử, văn hóa của từng vùng, miền. Nghề chạm khắc gỗ Đại Vi cũng vậy, mỗi tác phẩm được tạo nên, mang theo những câu chuyện về tình yêu với nghề, về ước vọng, tâm tư và đặc biệt là tài năng đáng khâm phục của những người thợ.

Thợ mộc Đại Vi nổi tiếng với tay nghề cao, đi nhiều nơi trên cả nước để phục chế, dựng các công trình bằng gỗ, trong đó phải kể tới việc phục dựng cung đình Huế hay nhiều công trình chùa, chiền, đình, nhà thờ, nhà cổ ở khắp các tỉnh, thành.    

Nhà gỗ đòi hỏi kỹ thuật cao. Một trong những công đoạn khó của việc làm nhà gỗ là lấy mực thước. Tức là người thợ phải đo đạc, sau đó tính toán thật kỹ lưỡng để tạo nên bản thiết kế chính xác từ những chi tiết nhỏ nhất với các tỉ lệ chuẩn xác nhất. Bởi vậy, để làm được nhà gỗ, người thợ không chỉ giỏi chuyên môn nghề mộc phải giỏi tính toán.

Kinh nghiệm bỏ túi: 

* Từ nội thành Hà Nội bạn đi Quốc lộ 1B khoảng 25km, rẽ quốc lộ 38 lối đi Cầu Hồ (Bắc Ninh). Qua cầu là tới địa phận huyện Tiên Du. Hỏi đường tới xã Đại Đồng và làng nghề chạm khắc gỗ Đại Vi.

* Tới đây du khách có cơ hội được tham quan, trải nghiệm, hiểu thêm các công đoạn làm nên công trình nhà ở bằng gỗ.

* Tới Tiên Du, du khách có thể tham quan di tích quốc gia đặc biệt chùa Phật Tích, tham gia Hội Lim nổi tiếng vào 11 – 13 Âm lịch hàng năm...

Mời quý vị xem các chương trình Làng nghề Việt đã phát sóng tại đây./.