Video Làng nghề Việt

Sức sống làng mộc Bình An

Bờ kênh êm đềm ấp Vàm Kinh, tỉnh Long An đã chứng kiến sự hình thành và phát triển của một làng nghề truyền thống. Ở nơi đó, dù trải qua những khó khăn, thì người dân làng nghề mộc Bình An vẫn luôn giữ gìn và phát huy nghề mà cha ông để lại.
20:36 - 03/07/2021

Từ những năm 1960, làng nghề mộc đã bắt đầu hình thành ở ấp Vàm Kinh. Khi đó chỉ có khoảng vài hộ gia đình làm nghề. Cho tới nay thì đã có hàng chục trại mộc, cơ sở sản xuất, chủ yếu là những hộ làm nghề theo kiểu cha truyền con nối.

Ban đầu, các sản phẩm gỗ chủ yếu chỉ để bán cho bà con trong xã vì đơn đặt hàng khi ấy không nhiều. Các công đoạn đều bằng thủ công nên vất vả.

Chục năm trở lại đây, các trại mộc đã mạnh dạn đầu tư thêm máy móc để thay thế một vài công đoạn thủ công như máy bào liên hợp, máy bào mộng, máy đục lỗ vuông... Từ khi có máy móc hỗ trợ, tiết kiệm được thời gian, nguyên liệu ít hao tổn và gia tăng sản lượng hơn.

Mặc dù có máy móc hỗ trợ trong các khâu xử lý gỗ nhưng  nhiều công đoạn vẫn phải là bàn tay khéo của những nghệ nhân, thợ giỏi, nhất là khâu chạm trổ. Đây cũng là một trong những đặc điểm để đánh giá sự tài hoa của người thợ, đồng thời, các đường nét hoa văn uốn lượn sắc nét chính là cái hồn cốt của từng sản phẩm gỗ.

Bình An dường như là nơi “đất lành chim đậu”. Nghề mộc nơi đây không chỉ phát huy bởi truyền thống cha truyền con nối mà có rất nhiều thợ trẻ từ mảnh đất Nam Định, nơi cũng có thương hiệu mộc nổi tiếng như La Xuyên, huyện Ý Yên… Họ là những người có tay nghề cao, vào miền Nam an cư lạc nghiệp với nghề mộc của cha ông. 

Có dịp được tới mảnh đất Bình An, ta cảm nhận sức sống mạnh  mẽ của làng nghề, được chứng kiến việc dù có khó khăn hay hòa nhập vào sự phát triển công nghiệp nhanh chóng của Long An, thì dân vẫn lặng lẽ, bền bỉ giữ gìn nghề truyền thống của cha ông. Một mặt không ngừng sáng tạo, cho ra sản phẩm mang thương hiệu mộc Bình An phủ rộng thị trường khu vực.

Mời quý vị xem các chương trình Làng nghề Việt đã phát sóng tại đây./.