Sức sống mới sơn mài Bối Khê
Trong không gian ngôi nhà giản dị còn mang dấu ấn của làng quê xưa, ông Đinh Văn Tải, một người con của làng Bối Khê, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội, vẫn luôn dành tâm huyết với nghề sơn mài truyền thống mà ông đã được truyền lại từ thế hệ cha ông. Hơn 30 năm qua, ông vẫn đắm đuối với cách làm sơn mài truyền thống bởi tình yêu ông dành cho nghề của ông cha vẫn nhiệt thành dù nghề đòi hỏi nhiều kỹ thuật rất công phu và tỉ mỉ.
Ở Bối Khê xưa kia phát triển nghề sơn của cha ông với kỹ thuật sơn son thếp vàng tạo ra những dòng sản phẩm chủ yếu những đồ thờ cúng. Sau năm 1954, nhất là vào những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, người làng Bối Khê phát triển nghề sơn mài với những mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu sang Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu. Giai đoạn 1989 – 1991, thị trường xuất khẩu duy nhất của hàng thủ công mỹ nghệ là Liên Xô và Đông Âu không còn nên nghề sơn mài ở Bối Khê phải ngừng sản xuất. Tuy nhiên, kể từ năm 1996, làng nghề lại bắt đầu được khôi phục và không ngừng phát triển.
Để tạo nên một sản phẩm sơn mài đòi hỏi rất nhiều công đoạn, tay nghề kỹ thuật cao cũng như sự kiên trì, sáng tạo của người làm nghề. Từ khi làm cốt mộc đến khi hoàn thành một sản phẩm sơn mài phải trải qua 13 nước, thậm chí là còn nhiều hơn. Cứ một lớp vẽ, người ta phải chờ khoảng 2 ngày để sơn khô rồi lại mài phẳng, sau đó mới có thể làm lớp khác. Sơn mài vốn là chất liệu khó tính nhưng lại thú vị bởi những yếu tố bất ngờ hiện ra trong quá trình sáng tạo. Muốn lớp sơn khô thì phải ủ nơi kín gió và có độ ẩm cao. Muốn nhìn thấy tranh thì phải mài đi mới thấy. Sau nhiều lớp vẽ, nhiều lần mài, hình ảnh dần hiện với những sắc màu ẩn hiện. Không chỉ có vẽ, sản phẩm sơn mài còn được kết hợp với khảm trai, khảm vỏ trứng hay thếp vàng, thếp bạc... Cũng bởi sự công phu và độc đáo trong nguyên liệu cũng như cách làm mà sơn mài là một kỹ thuật riêng có của Việt Nam đã tạo nên nét văn hóa mang hồn dân tộc.
Sáng tạo trong cách làm, đa dạng mẫu mã sản phẩm, làng nghề sơn mài Bối Khê ngày càng tạo được nhịp sản xuất năng động và hối hả trong kinh tế thị trường. Đầu ra sản phẩm phục vụ các đơn hàng xuất khẩu luôn ổn định giúp cho việc làm của người dân được đảm bảo. Thị trường xuất khẩu các sản phẩm sơn mài được đánh giá có nhiều tiềm năng lớn trong tương lai giúp cho nghề sơn mài ở Bối Khê có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn, đưa thương hiệu làng nghề vươn xa.
Làng nghề sơn mài Bối Khê không chỉ sản xuất sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài mà còn được định hướng phát triển gắn với du lịch. Điều này giúp thu hút khách du lịch gần xa đến với làng nghề địa phương, đồng thời cũng là cách xuất khẩu tại chỗ đưa sản phẩm đến với du khách ngay trên chính mảnh đất quê hương của ông cha.
Với tình yêu, tâm huyết cùng sự nhạy bén, sáng tạo, người dân Bối Khê đang nỗ lực góp sức đưa tinh hoa nghề của ông cha ngày càng phát triển. Từng đôi bàn tay khéo léo, từng người con của làng vẫn tiếp nối truyền thống để nghề xưa vẫn còn được lưu giữ, mang sức sống mới trong cuộc sống hôm nay.
Thực hiện: Việt Hoa - Trọng Đại