Video Làng nghề Việt

Thân thương nghề dệt chiếu Long Cang

Chẳng ai biết cọng lác có từ bao giờ, tấm chiếu Long Cang bao nhiêu tuổi. Bao thế kỷ nay, dù trải qua những thăng trầm, bao giọt mồ hôi, nhọc nhằn của bà con Long Cang, Long An trên đồng lác, để hôm nay tươi đẹp một làng nghề.
10:42 - 18/05/2021

Người Long Cang, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, dệt chiếu bằng cây cỏ lác (người dân còn còn gọi là cây lát) thuộc họ cói. Gần như diện tích nông nghiệp ở đây  chủ yếu để trồng loại cây này. Những năm về trước, nhiều làng quê vùng Tây Nam Bộ không chỉ ở Long An mà như xã Đức Mỹ, Trà Cú của tỉnh Trà Vinh; Thành Thới B của tỉnh Bến Tre… nhận thấy cây lúa trên vùng đất nhiễm phèn kém hiệu quả, giá cả lại bấp bênh, trong khi ngành thủ công mỹ nghệ đan lát thời đó phát triển mạnh, nên đã chuyển sang trồng cỏ lác để cung ứng nguyên liệu cho làng nghề.

Bởi vậy mà cây lác đã gắn bó với đời sống của bà con nơi đây. Gần như nhà nào cũng có vườn lác. Cây lác có điểm đặc biệt là không phải thu hoạch theo mùa, mà có thể phát triển quanh năm. Chỉ một vài trận mưa thôi, lác lại phát triển nhanh chóng. Có nhiều gia đình còn tạo những bể chứa tưới cho đồng lác nên họ có nguyên liệu quanh năm để dệt chiếu.

Những cánh đồng lác xanh rì xung quanh nhà cửa, xóm làng du dương trong nắng gió như những bản tình ca quê hương, tạo nên khung cảnh lãng mạn, nên thơ và yên bình cho ai đó có dịp ghé thăm.

Những chiếc khung dệt cùng bàn tay khéo léo đã tạo nên không biết bao nhiêu đôi chiếu. Đôi tay thoăn thoắt cho lác vào cửi, dệt từng đoạn một. Những chiếc chiếu chứa đựng trong đó sự chịu khó, bền bỉ, kiên trì của người dệt chiếu.

Trước kia, chiếu được dệt bằng tay, kỳ công và tỉ mỉ. Nhiều năm gần đây người dân có thêm những chiếc máy gọi là máy dệt chiếu. Có máy thì công việc nhẹ nhàng hơn, chiếu được dệt nhanh hơn và năng suất tăng lên gấp nhiều lần. Nhưng dù có máy thì cũng chỉ đáp ứng phần đẩy lát chiếu cho thẳng vào khung, còn công việc cho lác vào cửi cũng vẫn là đôi tay thoăn thoắt của con người.

Chiếc chiếu Long Cang đã cho bao giấc ngủ yên bình, cho những đứa trẻ lớn lên, trong tình thương yêu, trong sự ấm áp. Tình thương yêu của mỗi người dân với mảnh đất trồng cỏ lác, tình người gắn liền bền chặt với hai tiếng “làng nghề” truyền thống của cha ông. Tất cả đã dệt nên một bức tranh quê hương Long Can thân thương, yêu dấu.  

Kinh nghiệm bỏ túi: 

Xã Long Cang nằm ở trung tâm huyện Cần Đước, trên tuyến đường quốc lộ 50, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30 km về phía Nam.

Tới Long Cang, du khách có những bức ảnh đẹp ở những cánh đồng lác xanh mướt, được trải nghiệm những công đoạn làm chiếu của làng nghề dệt chiếu truyền thống nơi đây. 

Bên cạnh đó, du khách còn có cơ hội tham quan một số danh lam, di tích của huyện Cần Đước như: Đồn Rạch Cát, Di tích Lịch sử Văn hóa Tân Chánh, khu vực Nhà Dài…


Mời quý vị xem các chương trình Làng nghề Việt đã phát sóng tại đây./.