Thiền viện Sùng Phúc - Điểm văn hóa tâm linh của Hà Nội
Thiền viện Sùng Phúc là một thiền viện thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử nằm tại phường Cự Khối, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Thiền viện Sùng Phúc nằm trên đất của một ngôi chùa cổ trước của làng Xuân Đỗ Thượng, tổng Cự Linh, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Chùa được xây dựng vào khoảng thế kỉ XVI-XVII thuộc chốn tổ Đào Xuyên, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm. Thiền viện là nơi tu tập của không chỉ các Phật tử mà còn là của các thanh thiếu niên Phật tử và cũng là nơi ra đời của Đoàn Thanh niên Phật tử Trần Thái Tông.
Sau khoảng 20 năm không có ai trụ trì và xuống theo thời gian... Năm 1998, Thầy Thích Trúc Thông Giác về thiền viện, đảm nhận nhiệm vụ gìn gữ và phát triển nơi này. Đến năm 2005, nơi đây được được trùng tu lần thứ 2 với quy mô bao gồm ngôi chánh điện 2 tầng rộng lớn. Đến năm 2009, nhiều hạng mục của công trình Thiền viện Sùng Phúc đã hoàn thành với thiền đường, giảng đường và trai đường cho khoảng 600 Phật tử.
Thiền viện Sùng Phúc nằm trong một khuôn viên rộng gần 4.000 mét vuông. Tại đây hiện có 4 công trình chính. Toà tiền đường được xây với kết cấu bê tông cốt thép, gồm 2 tầng và có cầu thang thông nhau. Tầng dưới làm nhà giảng đường, là nơi học pháp của tăng ni nội chúng.
Với quy mô là Trung tâm tu học của Thiền phái Trúc Lâm giữa lòng Thủ đô Hà Nội đã hàm chứa bao ý nghĩa cho thế hệ ngày nay về nhận thức đối với Đạo Phật và khẳng định tính khế lý, khế cơ của đường lối khôi phục phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Việt nam.
Thiền Viện Sùng Phúc là 1 trong 19 Thiền Viện Trúc Lâm tại Việt Nam. Sự hiện hữu của các Thiền viện Sùng phúc cũng như các Thiền Viện Trúc lâm tại Việt Nam không ngoài ý nguyện kế thừa, chia sẻ và phát huy những tinh hoa – giá trị cao qúy từ con đường từ bi, trí tuệ của đạo Phật nói chung, của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử nói riêng, góp phần tô đậm thêm mối liên hệ mật thiết giữa các giá trị cốt lõi của Phật giáo với những giá trị tinh thần truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vốn hình thành từ ngàn đời trong diễn trình lịch sử – văn hóa Việt Nam, được trao truyền cho hôm nay và mai sau./.