Thổi hồn nét đẹp nón lá Gia Thanh
Làng Rền, xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ là địa danh nổi tiếng với Di chỉ khảo cổ xóm Rền, nơi minh chứng của nền văn hóa cư dân thời kỳ Hùng Vương và có loại quả đặc sản hồng Gia Thanh nức tiếng. Là vùng quê ven sông Lô thơ mộng. Bên những con đường quanh co dẫn vào làng là những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, những ngôi nhà mái ngói nằm san sát bên nhau. Giờ đã vào giữa tháng 7, bóng râm của những cành hồng xanh mướt đổ bóng xuống hiên nhà, hình ảnh những người nông dân đang cần mẫn làm nón thật yên bình. Nơi đây chính là làng nghề truyền thống nón lá Gia Thanh đã có tuổi đời hơn 100 năm.
Làng có hơn 2/3 số hộ làm nghề từ trẻ nhỏ đến người lớn, các cụ già đều có thể cầm kim “nức” nón. Nón lá từ xưa đã tô điểm thêm nét đằm thắm dịu dàng của người phụ nữ, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân. Gắn bó với nghề nón lá, trải qua nhiều thăng trầm cùng với làng nghề, bà Nhường là lớp thợ đi trước, đang truyền đam mê và kinh nghiệm làm nghề cho thế hệ trẻ, để nghề nón lá không bị mai một.
Liệt kê hết ra ta mới thấy nghề làm nón Gia Thanh cũng đòi hỏi nhiều công đoạn. Một chiếc nón lá đơn sơ mộc mạc tưởng chừng như đơn giản nhưng đến đây bạn sẽ hiểu thêm sự kỳ công, khéo léo từ những đôi bàn tay người nông dân chịu thương chịu khó. Ở Gia Thanh không chỉ phụ nữ biết làm nón mà ngay cả những người đàn ông cũng có thể giúp chuốt vành, lên khung.
Trong quá trình hoàn thiện một chiếc nón lá, việc sơ chế nguyên liệu tưởng chừng đơn giản nhưng không kém phần công phu. Để có được những chiếc lá cọ phẳng phiu, nhẵn bóng lợp nón người thợ phải là lá rất cầu kỳ, lấy hơi nóng từ chiếc lưỡi cày sau đó phủ lên một túi vải ẩm để là lá. Lá sau khi là được cắt gọn hai đầu đủ dài để lợp từ chóp xuống vành cái được xếp chồng liền nhau, không xô lệch. Mỗi chiếc nón được lợp 2 lần lá, giữa 2 lần được lót thêm một lượt mo cau cho nón thêm dày và cứng cáp, tránh mưa ướt. Mặt trong của nón được người thợ khéo léo luồn những sợi chỉ màu đỏ để buộc quai nón. Bàn tay người thợ cầm kim khéo léo đưa nhanh từng mũi khâu thẳng đều từ vòng trong ra vòng ngoài mà không hề chệch đường.
Không chỉ đơn thuần là nơi sản xuất ra một sản phẩm thủ công truyền thống lâu đời mang tính đặc trưng, làng nghề nón Gia Thanh còn là nơi lưu giữ những tinh hoa nghệ thuật dân gian, những kinh nghiệm sản xuất và phong tục tập quán của cộng đồng.
Nếu như những mặt hàng thủ công đòi hỏi người thợ phải thật sự tỉ mỉ, khéo léo thì đối với nghề nón lá, bên cạnh việc tỉ mỉ, khéo léo còn cần sự chính xác nhất định. Bởi chỉ cần lệch một vài đường khâu hoặc sai về kích cỡ đo lá không chuẩn thì sản phẩm đó sẽ bị hỏng không được xuất ra thị trường.
Không còn vất vả những buổi chợ sớm tinh sương mang những chồng nón lá ra chợ, giờ đây người làm nón Gia Thanh đã dễ dàng hơn khi có nhiều người biết tới và tìm về đặt mua bởi chất lượng bền đẹp của nón. Tuy mới được UBND tỉnh công nhận làng nghề từ năm 2006, nhưng nghề nón lá Gia Thanh đã thực sự làm đổi thay cuộc sống của người dân xã Gia Thanh, với 44 hộ doanh thu năm 2022 là 1,48 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động là 2,8 triệu đồng/lao động/tháng. Tổng số lao động trong làng nghề là 50 lao động, trong đó lao động thường xuyên là 44 lao động. Những con đường giao thương được mở ra, người ở khắp nơi tìm về mua nón lá Gia Thanh , nghề nón lá ngày một phát triển, vượt ra khỏi quy mô địa phương, trở thành một sản phẩm nổi tiếng được đông đảo người tiêu dùng trên cả nước biết đến mỗi khi về thăm quê hương Đất Tổ.
Không giống như những làng nghề thủ công khác được hỗ trợ bằng máy móc và các thiết bị hiện đại nhằm tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, nghề nón lá Gia Thanh phải làm hoàn toàn thủ công bằng tay. Có lẽ vì thế mà yêu cầu về nhân công làng nghề ở đây cũng không quá cao, nhân công chính là những người dân ở trong làng, chính điều này đã tạo nên sự thay đổi lớn về đời sống của người dân nơi đây.
Mỗi người mỗi công việc tỉ mẩn với từng công đoạn: người thì là lá, người thì khâu, người thì chẻ nan làm vanh, không khí làm việc lúc nào cũng nhộn nhịp. Mỗi người mỗi việc nhưng trên gương mặt ai cũng ánh lên niềm hạnh phúc vì ngoài nghề nông lúc nhàn dỗi, mình đã có thêm một công việc để làm, có mức thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống sau này.
Nón lá Gia Thanh được hoàn thành sẽ được thu mua và trưng bày tại các cửa hàng tại các triển lãm, hội chợ du lịch để người mua có thể tìm hiểu thông tin và mua các sản phẩm một cách dễ dàng, đảm bảo chất lượng và uy tín. Sản phẩm nón lá Gia Thanh được khách hàng rất ưa chuộng bởi thiết kế và đa dạng về mẫu mã.
Song song với quá trình phát triển của làng nghề nón lá Gia Thanh cũng gặp phải những khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì và bên bỉ của những người thợ đưa nốt những mũi khâu còn dang dở để lưu giữ nghề.
Thực hiện: Hữu Quảng – Trọng Đại