Từ thành phố Vĩnh Long, chỉ cần qua phà An Bình, băng ngang dòng sông Cổ Chiên lấp lánh nắng, lên bờ một đoạn ngắn là đến chùa Tiên Châu, một di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia.
Về tên chùa, truyền thuyết kể lại rằng, vùng này xưa chỉ là một cù lao thanh vắng, đất rộng người thưa. Vào những đêm trăng thanh gió mát, thường có một đoàn tiên nữ gieo mình xuống tắm trong ánh trăng vàng long lanh mặt nước ở một bãi bồi ven sông. Lâu ngày, người dân đặt tên chốn này là bãi Tiên. Do đó mà có tên là chùa Tiên Châu lấy theo tích cổ “tiên nữ giáng trần”.
Tiên Châu tự hiện nay có chiều dài 46m, rộng 20m, được xây dựng theo hình chữ Tam, bao gồm ba gian liền kề nhau là chánh điện, hậu tổ và hậu liêu. Mặt tiền của Chánh điện là Tam Bảo, ngôi chính giữa là tượng Phật Thích Ca trong tư thế ngồi thiền cao 1m, trên nóc có 5 tháp nhọn, giữa tháp là bảng chữ Tiên Châu tự.
Gian chính điện nối liền với tiền chính điện, có bàn thờ chính thờ Đức Phật A Di Đà và Di Lặc. Đây là nơi có không gian cổ kính với kiến trúc tinh xảo. Nổi bật là hệ thống 96 cây cột gỗ bằng gỗ quý, các kèo, xuyên, trính bằng gỗ căm xe và gụ đỏ được chạm trổ khéo léo bởi thợ địa phương và nghệ nhân từ kinh đô Huế vào.
Chùa hiện còn giữ được 5 bức hoành phi, 11 câu đối, 3 bia mộ, 1 bài thơ bằng chữ Hán, hai cuốn thư bằng gỗ chạm một phần bài “Thần đồng thi” của Uông Chu (hay Uông Thù) đời Bắc Tống (Trung Quốc). Đa số hoành phi, câu đối đều được làm từ thế kỷ 19.
Tiên Châu Tự được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia vào ngày 12/12/1994. Vào những dịp lễ, Tết cổ truyền, mùng 1, hôm rằm, rất nhiều khách hành hương, khách du lịch, người dân quanh vùng đến đây chiêm bái.
Dù nhịp sống hiện đại, vội vã ngày càng cuốn con người đi trong guồng quay mưu sinh nhưng đời sống tâm linh luôn hiện hữu trong đời sống xã hội của một dân tộc. Phật giáo không chỉ là giáo lý thông thường mà còn là nơi phản ánh trình độ văn hóa, nếp sống, vẻ đẹp của con người.
Mời quý vị xem các chương trình Về chốn linh thiêng đã phát sóng tại đây./.