Được biết chùa đã xuất hiện từ rất lâu đời. Trước năm 1945, Chùa Tiêu Dao là nơi cất giấu tài liệu, sách báo của Đảng, đồng thời là nơi đi lại của nhiều cán bộ hoạt động cách mạng. Đặc biệt, cố nhạc sĩ Văn Cao đã từng đi đến nơi đây để hoạt động cách mạng và bài hát “Tiến Quân Ca” của ông đã được cất giấu và phát tán từ đây.
Trải qua nhiều thăng trầm và biến cố, kiến trúc của chùa đã không còn nguyên vẹn. Năm 2011, khi sư thầy Thích Bảo Đức về chùa trụ trì, Thầy cùng các Phật tử trong làng tiến hành trùng tu ngôi chùa với ý tưởng đưa những tinh hoa của làng gốm vào kiến trúc ngôi chùa, tạo nên một bản sắc văn hóa riêng của Tiêu Dao Tự. Ngôi chùa ngoài sử dụng gốm sứ làm chất liệu cho các hạng mục, các nghệ nhân trong làng còn đặc biệt chú trọng vào các hoa văn, chi tiết để tạo nên sự hài hòa tổng thể. Sự kết hợp giữa làng nghề gốm sứ truyền thống và văn hóa tâm linh ở Tiêu Dao Tự đã mang lại vẻ đẹp vô cùng độc đáo.
Điều đặc biệt, hầu như tất cả các pho tượng bên trong nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, nhà thờ Thập Bát La Hán và Động Sơn Trang tại ngôi chùa này cũng được gốm sứ hóa bằng chính đôi bàn tay của những nghệ nhân nổi tiếng trong làng. Tính đến nay, Tiêu Dao Tự đã ghi nhận 78 pho tượng được “gốm sứ hóa”.
Sự kết hợp giữa gốm sứ của văn hóa làng nghề và kiến trúc tâm linh ở Tiêu Dao Tự như biểu tượng mong muốn của người dân cầu mong bình an cho gia đình. Qua việc đưa gốm sứ được chế tác từ những bàn tay tinh hoa, người làng Giang Cao muốn tôn vinh sản phẩm, giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống. Hai giá trị văn hóa làng nghề và phật giáo đan quyện vào nhau trong không gian Tiêu Dao tự chính là tâm huyết của người dân.
Tiêu Dao Tự - ngôi chùa mang đậm nét văn hóa Bắc Bộ, thể hiện sự tài hoa của các nghệ nhân làng gốm sứ Bát Tràng. Sự kết hợp giữa gốm sứ của văn hóa làng nghề và kiến trúc tâm linh ở Tiêu Dao Tự mang lại vẻ đẹp độc đáo, nơi đây đã và đang là một điểm đến của rất nhiều du khách thập phương đến bái Phật và vãn cảnh chùa.
Thực hiện: Ngọc Hoà.
Xem các chương trình Về chốn linh thiêng tại đây.