Về thăm Tổ đình Phước Hậu, lắng nghe câu chuyện của Hòa thượng Thích Phước Cẩn về lịch sử ra đời của ngôi cổ tự này, mới cảm phục các bậc chân tu từ bao đời trước đã chọn được một vị trí đặc biệt, dồn bao tâm sức để khởi dựng và phát triển để có được ngôi chùa như chúng ta thấy hiện nay.
Tương truyền, ban đầu chùa Phước Hậu chỉ là một am tranh đơn sơ nằm bên dòng sông Hậu, được vài thiền sư dừng chân tạm thời. Khoảng năm 1894, ông Hương cả Lê Văn Gồng người ở địa phương vốn rất mộ đạo đã vận động bà con Phật tử đứng ra xây dựng lại ngôi chùa bằng gỗ, mái lợp ngói, đặt tên là chùa Đông Hậu, mãi sau này mới đổi tên thành Phước Hậu. Tổ đình Phước Hậu có được như ngày hôm nay cũng nhờ vào công trạng của chư vị danh tăng như: Hòa thượng Hoằng Chỉnh, Hòa thượng Khánh Anh, Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Hoàn Phú...
Có kiến trúc theo hình chữ “sơn”, chùa Phước Hậu hiện nay gồm chánh điện, trung điện, hậu tổ, tàng kinh các, hệ thống bảo tháp… trong đó, mặt tiền chùa Phước Hậu xây theo kiểu cổ lầu, giữa đặt mô hình ngôi tháp bảy tầng.
Chánh điện khá rộng rãi, thoáng mát, ở giữa đặt bàn thờ tượng đức Phật Thích Ca dạng tọa thiền cùng với tượng Thái tử Tất Đạt Đa sơ sinh và bộ Tam tôn (Bồ Tát Quán Thế Âm, Phật Di Đà, Bồ Tát Đại Thế Chí). Hai bên là hai ban thờ nơi đặt các pho tượng quý của ngôi chùa Đông Hậu xưa còn giữ được cho đến ngày nay như tượng Tiêu Diện đại sĩ, Hộ Pháp, Địa Tạng, Chuẩn Đề và bộ tượng La Hán đều bằng gỗ hoặc bằng gốm.
Trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, Tổ đình Phước Hậu vẫn giữ được nét kiến trúc khoáng đạt, giản dị nhưng cũng vô cùng ấm áp. Đó cũng là cảm nhận sâu sắc của bất cứ du khách nào ghé thăm nơi đây.
Mời quý vị xem các chương trình Về chốn linh thiêng đã phát sóng tại đây./.