Video Về chốn linh thiêng

Trần Thương – Ngôi đền gắn với nhà Trần

Trải qua nhiều thế kỷ tồn tại, Đền Trần Thương vẫn giữ được nét kiến trúc cổ kính và đặc sắc, là nơi để nhân dân gần xa tưởng nhớ công ơn của vị anh hùng dân tộc - Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

21:04 - 19/04/2024

Trần Thương – Ngôi đền gắn với nhà Trần

Cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông đã lùi xa rất nhiều thế kỷ. Nhưng chiến công hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta vẫn còn vang vọng đến ngày hôm nay. Chỉ cần đặt chân tới những địa điểm từng ghi dấu ấn của lịch sử minh chứng cho tinh thần yêu nước, quyết bảo vệ chủ quyền non sông, gấm vóc, những âm vang của núi sông dường như lại cuộn chảy trong huyết quản của mỗi người. Đó có thể là cảm nhận của nhiều người khi đặt chân đến ngôi đền linh thiêng Trần Thương nằm ở xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Thương nghĩa là lương thực, Trần Thương nghĩa là kho lương của nhà Trần. Vào thế kỷ XIII, khi quân Nguyên Mông xâm lược nước ta, trên đường đi đánh giặc Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã nhận thấy thế đất hiểm yếu của nơi đây liền quyết định đặt 6 kho lương phục vụ cuộc kháng chiến. Trong đó, đền Trần Thương là kho lương chính. 

Đền Trần Thương nằm ở vị trí lục đầu khê nghĩa là 6 dòng sông chụm lại. Nơi đây, thuận tiện từ sông Hồng đến kinh thành Thăng Long đồng thời kết nối dễ dàng với quê hương nhà Trần ở Nam Định. Cho đến ngày nay, với biết bao biến thiên, thay đổi của thời cuộc, ở mảnh đất này, dường như vẫn còn lưu dấu những chiến công oanh liệt, lưu truyền sử xanh của dân tộc, khi giặc lui, chiến thắng mở lễ khao quân tại đây.

Sau khi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn qua đời,  để tưởng nhớ công ơn của ngài, vào năm 1783 thời Hậu Lê, nhân dân lập đền trên đất kho lương xưa để thờ phụng vị anh hùng dân tộc. Đền Trần Thương là một trong 3 ngôi đền lớn của cả nước, nơi thờ chính Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Cho đến bây giờ, ngôi đền vẫn giữ được những nét trang nghiêm, cổ kính, đặc sắc trong kiến trúc và bài trí, là nơi du khách thập phương tri ân công đức của tiền nhân.

 Thực hiện: Huyền Trang – Trọng Đại.