Văn Miếu Sơn Tây – Biểu tượng đất học xứ Đoài
Sơn Tây - vùng đất địa linh nhân kiệt, cái nôi của mảnh đất xứ Đoài xưa. Vùng đất này được hình thành khá sớm do quá trình bồi tụ của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình. Từ thời đồ đá trên vùng đất này đã tìm thấy dấu vết cư trú của người cổ. Xứ Đoài là cái nôi của nền văn minh Việt cổ, là nơi các vua Hùng lập quốc và xây dựng kinh đô Phong Châu.
Văn Miếu Sơn Tây đã từng được triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng tại làng Cam Thịnh, đến đời vua Thiệu Trị 1847 thì lại được dời về xây tại làng Mông Phụ (Cam Giá Thịnh). Đời vua Thành Thái năm thứ 3 thì được xây lại lần thứ ba tại đất Văn Miếu ngày nay. Công trình được khánh thành vào năm 1892.
Văn Miếu Sơn Tây được triều đình cho xây dựng để tôn thờ Đức thánh Khổng Tử, tứ phối (bốn học trò xuất sắc của Đức Thánh là: Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử) và 72 vị hiền triết, cùng các danh nhân khoa bảng thuộc khu vực xứ Đoài đã đỗ đạt các danh hiệu qua các thời kỳ của chế độ phong kiến. Theo một số tài liệu ghi lại thì có khoảng 288 vị Tiến sĩ được khắc trên bia đã lưu tại Văn Miếu Sơn Tây. Các vị này đã tham gia và đỗ đạt qua 2 kỳ thi do triều đình tổ chức là thi hội và thi đình. Đây cũng là nơi ghi dấu những buổi đàm văn, đàm đạo Khổng, nơi chuyển tải tinh thần hiếu học xưa của người dân xứ Đoài. Theo một số tài liệu để lại, đây là công trình tiêu biểu về văn hóa, tâm linh, có quy mô bề thế và mang tầm quan trọng giống như Văn Miếu Xích Đằng (Hưng Yên), Mao Điền (Hải Dương), Bắc Ninh và một số nơi khác.
Văn Miếu Sơn Tây được xây dựng trên một khu đất rộng, hình chữ nhật, xung quanh có tường xây bằng gạch đá ong bao quanh, nhìn về hướng Nam nơi có dòng Tích giang thơ mộng chảy qua. Toàn bộ di tích được dàn trải trên một trục thần đạo với nhiều hạng mục bề thế uy nghiêm chạy dọc theo hướng Bắc - Nam.
Văn Miếu xưa được hình thành với nhiều hạng mục công trình như: cổng tam quan , hồ nước, lầu chuông, lầu khánh, toà đại bái đường, nhà tả hữu vu, sân, hệ thống tường bao, hệ thống cây xanh và cây ăn quả.
Trải qua các giai đoạn lịch sử, nhất là sau khi hòa bình lập lại năm 1954, di tích Văn Miếu chịu nhiều sự tác động của tự nhiên và xã hội nên các hạng mục công trình đã bị xuống cấp, biến dạng.
Căn cứ vào các tài liệu gốc còn lại về Văn Miếu Sơn Tây cũng như tham khảo các di tích Văn Miếu ở các địa phương khác. Năm 2008, UBND thị xã Sơn Tây đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành của thị xã phối hợp với các cấp, ngành liên quan thiết kế, lập dự án phục hồi và phát huy giá trị di tích Văn Miếu Sơn Tây.
Đến nay, một số hạng mục chính của Văn Miếu Sơn Tây đã được phục dựng trên khu đất cũ của di tích, với tổng diện tích gần 4 ha, nằm ở vị trí gần trục đường quốc lộ 32. Bao gồm các hạng mục chính trải dài theo trục thần đạo là trục bắc - nam, hướng vào chính là ở hướng Nam như: Văn Miếu Môn, Lầu Chuông, Lầu Khánh, Tả Vu, Hữu Vu, Thượng điện, Đại Bái đường, Đền Khải thánh, sân lễ hội, phía trước là hồ sen, xung quanh là vườn cây xanh.
Hiện tại ở đình Mông Phụ (xã Đường Lâm), dân làng vẫn còn gìn giữ được hai...