Thứ bánh vàng nâu này đã gắn bó với bà Nguyễn Thị Giá hàng chục năm từ khi bà còn là đứa trẻ. Tuy chỉ là thứ bánh có hương vị rất mộc mạc, nhưng lúc nào thưởng thức, bà cũng thấy ngon như lần đầu. Không chỉ riêng bà Giá, đối với người dân Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, chiếc bánh nhỏ bé là niềm tự hào của làng quê. Bởi đã từ lâu lắm rồi, chiếc bánh không chỉ gắn bó với đời sống của người dân mà còn là thức quà không thể thiếu trong mỗi dịp Tết cho họ hàng, bạn bè, gia đình như vị thuốc giải nhiệt cơ thể. Gói ghém trong chiếc bánh nhỏ bé ấy là tình cảm chân thành của người dân thôn quê và công sức cầu kỳ trong mỗi công đoạn để làm nên thương hiệu nổi tiếng bánh gio làng Giá xưa và nay là Tiền Lệ.
Người dân Tiền Lệ ngày nay vẫn truyền cho con cháu cách làm bánh độc đáo của địa phương mình. Bánh gio có màu hổ phách vàng đẹp như vậy là nhờ một thứ nước đặc biệt, nước tro hay còn gọi là nước gio, nước nẳng được làm từ một số loại thảo mộc. Nguyên liệu chính là hạt thầu dầu, kết hợp với vỏ bưởi, cây cơm vừng được đốt bằng rơm nếp. Các nguyên liệu này được đốt trong một đêm để tạo ra than tro dùng đánh nước. Đánh nước cũng cần công thức cân bằng giữa tỉ lệ nước, vôi, tro. Sau đó, họ dùng cành dâu để kiểm tra màu sắc của nước. Khi cành dâu lên màu chuẩn, đồng nghĩa với việc đánh nước thành công.
Một chiếc bánh nhỏ, mang hương vị của cả làng quê. Từ hương lúa của cánh đồng chín bát ngát, đến những cánh đồng thầu dầu trải dài ven đê, một chút hương thơm mát của trái bưởi vườn nhà, gói ghém trong đó là cả tình cảm chân thành của người nông dân. Có lẽ vì thế mà dù có trải qua rất nhiều thời gian, bánh gio vẫn luôn là thức quà gợi nhiều cảm xúc.
Mời quý vị xem các chương trình Làng nghề Việt đã phát sóng tại đây./.