Theo nhiều tài liệu, chùa Bà Già, tên chữ là Bà Già tự đến nay đã có niên đại hơn 1.000 năm. Chùa được xây dựng trên một khu đất rộng, thoáng gọi là “Quy độ đầu” nghĩa là thế đất hình con rùa nằm ở phía bắc của làng. Chùa quay về hướng Nam, bên trái là vườn cây ăn quả và hồ nước rộng, phía sau chùa là đường đê và sông Hồng.
Chùa Bà Già được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia vào năm 1996. Năm 2012, chùa đã được trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của một ngôi chùa cổ xứ Bắc. Hiện trong chùa vẫn còn giữ được nguyên vẹn bức hoành phi cổ đề chữ “Bà Già tự” và 58 pho tượng, trong đó có 46 pho tượng Chư Phật, La Hán, Đế Thích và Phạm Thiên được tạo tác công phu theo phong cách nghệ thuật thời cuối Lê đầu Nguyễn. Đó là những di vật lịch sử quý, giúp cho hậu thế hiểu được lịch sử sâu xa của một làng quê và vẻ đẹp thiền tịnh của chùa Bà Già.
Đình Phú Gia là nơi thờ thành hoàng làng. Thần có tên húy là Nhự hay còn gọi là thần Già La, thần Khai Nguyên. Thần là vị tướng thời Hùng Vương thứ 6, người có công đánh giặc cứu nước, trị nạn hồng thủy, đem lại bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Đây cũng là nơi lưu giữ nhiều đồ thờ có giá trị về mặt lịch sử và văn hóa nghệ thuật. Đáng chú ý là hai cuốn thần phả chữ Hán, 16 bản sắc phong thời Lê, thời Tây Sơn và thời Nguyễn. Đặc biệt trong đình Phú Gia còn lưu giữ tấm bài vị thời Mạc, đó là hiện vật cực kỳ quý hiếm của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Năm 2001, đình Phú Gia được cấp bằng công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Với hệ thống cổ vật quý tại cụm di tích lịch sử văn hóa kiến trúc chùa Bà Già, đình Phú Gia, công tác bảo vệ hiện vật được chính quyền và nhân dân nơi đây đặc biệt chú ý.
Mời quý vị xem các chương trình Về chốn linh thiêng đã phát sóng tại đây./.