Được xây dựng trên một khu đất cao, rộng rãi và bằng phẳng, cụm di tích được liên kết với nhau bằng các ngách nhỏ bên trong. Qua một khoảng sân rộng rãi là mười gian nhà của đình và đền Sủi.
Đình làng Sủi xưa kia vốn là một ngôi đền cổ thờ tướng quân Đào Hoa Liên – người đã theo Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Làng Sủi đã từng là nơi lập đại bản doanh của Đào Hoa Liên trên đường ông đi dẹp loạn.
Sau này, Đào Hoa Liên được nhân dân tôn thành Thành hoàng làng, được thờ trong ngôi đền sau trở thành đình làng. Đại đình gồm năm gian, xây kiểu bít đốc, trang trí rồng thời Nguyễn. Trong hậu cung xây bệ cao đặt long ngai, bài vị Thành hoàng làng.
Sát với đình Sủi là đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan, người đã từng hai lần đăng đàn nhiếp chính, góp phần giữ vững sự hưng thịnh cho nhà Lý. Mặt trước nhà xây tường thẳng đứng, gian giữa của đền xây hai tầng, tám mái, qua hiên là nhà tiền tế làm kiểu bán mái. Trong có bức hoành phi lớn đề chữ “Mẫu nghi thiên hạ”.
Nơi Nguyên phi Ỷ Lan về làm lễ cầu tự chính là ở chùa Sủi còn có tên là Đại Dương tự hay Đại Dương Sùng Phúc tự. Sau đó, bà sinh được Thái tử Càn Đức tức vua Lý Nhân Tông và cho xây dựng lại ngôi chùa này, hoàn thành vào năm 1115.
Chùa Sủi được xây theo kiểu chữ đinh, gồm bảy gian tiền đường, ba gian hậu cung và hai dãy hành lang. Bên ngoài tiền đường là hai lầu tám mái treo chuông đồng, khánh đá. Hiện trước tòa tam bảo, còn đôi câu đối cổ, viết theo kiểu chữ triện, ca ngợi việc Nguyên phi Ỷ Lan xây chùa.
Trong quần thể cụm di tích đình, đền, chùa Sủi còn có một nhà văn bia nơi lưu giữ 14 tấm bia (ngoài ra còn hai tấm dựng trước cổng và một tấm ở sau chùa), tôn vinh những người con ưu tú của quê hương như nhà thơ Cao Bá Quát, mười vị tiến sĩ Nho học qua các đời, 4 vị Thượng thư, rồi các nhà thơ tài danh… Ngoài giá trị trang trí nghệ thuật, những tấm bia này còn chứa đựng nhiều tư liệu lịch sử và là kho di văn Hán nôm quý.
Phát huy những giá trị tâm linh đặc biệt của một vùng đất thiêng ở ngay ngoại ô thành phố Hà Nội, cụm di tích làng Sủi hôm nay vẫn được chính quyền và nhân dân nơi đây chăm lo, tu bổ, giữ gìn. Các bậc cao niên của làng đã chẳng quản ngại công sức để nghiên cứu, sưu tầm những tài liệu cổ, chứng thực cho lịch sử của quê hương. Mong rằng tinh thần khoa bảng, hiếu học, cùng mạch nguồn truyền thống đặc biệt của quê hương sẽ được các thế hệ sau bồi đắp, tiếp nối.
Mời quý vị xem các chương trình Về chốn linh thiêng đã phát sóng tại đây./.