Theo nhiều tài liệu ghi lại, chùa Đống Phúc có từ thời nhà Lý vào khoảng cuối thế kỷ thứ XI. Tương truyền, nơi đây đã được Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng các bộ tướng đến lễ Phật cầu quốc thái dân an trước trận Bạch Đằng lịch sử năm 1288. Chùa còn là nơi truyền bá Phật pháp của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, cũng là nơi lập đàn cầu siêu cho các tướng lĩnh tử trận; cơ sở bí mật của cách mạng trong kháng chiến chống Pháp...
Còn theo các cụ truyền lại, chùa Đống Phúc cũng gắn với thưở thiếu thời của vua Lê Thánh Tông, khi cuối thời Hậu Lê rối ren, Hoàng phi Ngô Thị Ngọc Giao đã đưa Hoàng tử Lê Tư Thành (sau lên ngôi là vua Lê Thánh Tông) rời kinh thành về chùa lánh nạn.
Từ trên nền đất chùa cũ, gần như không còn gì, chùa Đống Phúc ngày nay, dưới sự trụ trì của Thượng tọa Thích Thanh Lịch, Phó Trưởng ban Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã được xây dựng lại với cảnh quan kiến trúc hài hòa, độc đáo. Từ khuôn viên chỉ có 2000m2, đến nay, chùa Đống Phúc đã có một khuôn viên rộng gần như gấp đôi. Trên diện tích xây dựng 368m2, chùa có 7 gian tiền đường và 3 gian hậu cung, được dựng bằng 500m3 gỗ lim với 76 trụ gỗ lim đỡ vòm chùa. Ngoài ra, chùa còn có 20 trụ đá chạm khắc được đặt trước mặt chính vòm, làm ngôi chùa càng thêm uy nghi, trang trọng. Đây được coi là một trong những ngôi chùa bằng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh.
Với người dân Yên Giang, dường như không có khoảng cách giữa thế giới Phật pháp với đời sống hiện tại. Ngôi chùa là nơi người ta tìm đến sự chậm rãi, an yên trong tâm hồn. Chùa không chỉ là nơi nương tựa cho đời sống tâm linh mà còn trở thành không gian văn hóa không thể thiếu đối với mọi người.
Đáng chú ý là, trải qua thăng trầm thời gian, nhiều lần tu sửa, vẻ yên bình, trang nghiêm và những giá trị của nền cốt chùa cũ, kiến trúc và nhiều tượng Phật, bia đá cổ vẫn được lưu giữ tốt. Vào lễ Phật, du khách sẽ được hòa mình trong một không gian trang nghiêm, thanh tịnh, nơi còn lưu giữ hơn 30 bức tượng Phật, 2 quả chuông, 10 bia đá và nhiều câu đối, đại tự có giá trị. Kiến trúc phía trong đặc trưng bởi hoa văn rồng, phượng được chạm khắc công phu, rõ nét, kết cấu trụ, cột hoành tráng.
Có giá trị lịch sử lâu đời, cùng với cảnh quan và lối kiến trúc hài hòa, không gian xanh mát, chùa Đống Phúc khiến khách thập phương muôn nơi dù chỉ một lần ghé thăm, chiêm bái cũng thấy ấm áp. Đó cũng là cơ hội để người dân, Phật tử có cơ hội hiểu sâu hơn về truyền thống, giá trị văn hóa, tâm linh Phật giáo, đồng thời vun đắp thêm lòng yêu quê hương, đất nước, giữ gìn những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Mời quý vị xem các chương trình Về chốn linh thiêng đã phát sóng tại đây./.