Về Vĩnh Bảo khám phá ngôi miếu cổ độc đáo
Từ xa xưa, Làng Bảo Hà, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng không chỉ là làng nghề điêu khắc, tạc rượng sơn mài nổi tiếng dân gian lưu truyền câu ca: “Linh Động xứ Đông Sơn Đồng xứ Đoài”, mà còn bởi có một bức tượng Đức Linh Lang Đại vương có thể chuyển động, đứng lên ngồi xuống vô cùng độc đáo thờ trong miếu Bảo Hà.
Miếu Bảo Hà còn gọi là miếu Ba Xã hay miếu Cả, được xây dựng tại thôn Bảo Hà, xã Đồng Minh là công trình tưởng niệm, ghi nhớ công đức của Linh Lang Đại Vương, người anh hùng có công dẹp giặc ngoại xâm. Ngoài ra đền còn phối thờ Nguyễn Công Huệ - ông tổ nghề tạc tượng, người có công khai nghiệp tạc tượng nổi danh.
Bước vào ngôi miếu, du khách sẽ đi qua cổng tam quan lớn với kiến trúc đặc trưng của văn hóa Việt. Bước qua cánh cổng là không gian sân miếu được bao bọc xung quanh bởi những cây cổ thụ nghìn năm tuổi, mang đậm nét cổ kính rêu phong. Khu miếu thờ được xây dựng khá sớm và trải qua nhiều lần tu sửa, tôn tạo.
Theo thần phả, Linh Lang là con vua Lý Thánh Tông sinh vào tháng Chạp, năm Giáp Thìn (1064), được đặt tên là Hoằng Chân, mẹ là cung phi thứ 9. Khi giặc Tống xâm lược nước ta, Hoàng tử Linh Lang chỉ huy quân sỹ chống giặc. Trong một đợt hành quân, ngài tới trang Linh Động (làng Bảo Hà ngày nay) dựng đồn binh, luyện tập binh sĩ, tuyển mộ quân. Sau này để tưởng nhớ công ơn của ngài, dân làng xây miếu thờ trên nền đồn binh xưa. Các triều đại phong kiến sau này như đời vua Cảnh Thịnh, Tự Đức, Duy Tân và Khải Định đều phong sắc cho ngài là Thượng Đẳng thần, dân làng Bảo Hà tôn ngài là thành hoàng và tạc tượng thờ.Là vùng đất nổi tiếng với nghệ tạc tượng và cái nôi của bộ môn nghệ thuật múa rối cạn, những người thợ tài ba đã tạo nên một pho tượng “có một, không hai” có thể đứng lên, ngồi xuống.
Trong cung cấm của ngôi miếu là pho tượng Thành Hoàng (tượng Linh Lang Đại vương) tương truyền do cụ Nguyễn Công Huệ tạc vào thế kỳ XIII. Tượng cao 1,7m bằng người thật, nét mặt thanh tú, khôi ngô, đầu đội mũ, mình mặc quần áo lụa. Điều đặc biệt là pho tượng có thể đứng lên, ngồi xuống một cách nhịp nhàng. Bí mật của sự chuyển động của bức tượng Đức Linh Lang Đại vương nằm ở cánh cửa của điện thờ nơi có bức tượng. Các nghệ nhân tạc tượng xưa khéo léo kết hợp giữa nghệ thuật tạc tượng và nghệ thuật múa rối cạn, làm ra hệ thống truyền lực kéo đẩy nối giữa cánh cửa với các khớp của pho tượng.
Tại Cung Nhì thờ tượng Linh Lang Đại Vương, Ngài ngự trên nhang án thờ, là pho tượng Đức Thánh dân làng thường dùng để rước quanh làng mỗi dịp dân làng mở hội.
Nhờ sự linh thiêng và những chứng tích, sắc phòng của các triều đại để lại, miếu Bảo Hà được công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia vào năm 1991, là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa làng nghề. Ngôi miếu do chính bàn tay của những người thợ tài hoa thế kỷ XIII chạm trổ có hoa văn tinh xảo, đẽo tạc những bức tượng đẹp.
Thực hiện: Hữu Quảng - Sỹ Thành