Làng gạch cổ Mang Thít nằm dọc ven sông Cổ Chiên, kênh Thầy Cai, thuộc huyện Mang Thít , tỉnh Vĩnh Long, là nơi tập trung hàng nghìn lò sản xuất gạch bằng đất sét nung.
Một ngôi làng đi từ xa đã thấy những lò gạch màu đỏ nổi lên nền trời như những chiếc nấm khổng lồ.
Ngôi làng có từ bao giờ không ai hay, chỉ biết nhiều gia đình ở đây hết đời này đến đời khác gắn bó với nghề làm gạch.
Có nguồn tài nguyên đất đai màu mỡ cộng với lượng phù sa lớn từ dòng Cửu Long sau nhiều năm tích tụ, bồi lắng, những mỏ sét quý giá đã hình thành trên mảnh đất này để rồi từ đó, người Vĩnh Long đã tận dụng để biến chúng thành những viên gạch chắc chắn. Khi nghề làm gạch thủ công truyền thống ở đây hưng thịnh, mỗi nhà có đến hai, ba miệng lò. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, cả huyện Mang Thít có khoảng 1.000 cơ sở sản xuất với khoảng 3.000 miệng lò, sản xuất gạch bán đi khắp nơi, thậm chí xuất khẩu cả sang nước ngoài.
Bên trong những lò gạch ngày đêm nghi ngút khói này là một cuộc mưu sinh nhọc nhằn của nhiều mảnh đời. Tuy biết công việc vất vả nhưng họ vẫn chấp nhận làm bởi không có nhiều lựa chọn và bởi thu nhập từ nghề làm ruộng không đáng kể, nghề phụ hầu như không có, đi làm công nhân thì phải đi xa và mức lương cũng hết sức khiêm nhường.
Vất vả, nặng nhọc là thế nhưng nhiều phụ nữ ở đây vẫn bám trụ với nghề. Chẳng ai bảo ai, mỗi người đảm trách một khâu để dây chuyền sản xuất được liên tục không đứt đoạn. Công việc mỗi ngày đều kéo dài trong thời tiết nắng nóng đòi hỏi phải có sức khỏe và sự kiên trì.
Từ một làng nghề truyền thống có bề dày lịch sử, nay các lò gạch ở Mang Thít đang chuẩn bị bước vào một hành trình mới, với nhiều giá trị đóng góp mới cho cộng đồng. Nhưng không vì thế mà giá trị tài nguyên, vẻ đẹp của gạch Mang Thít lại bị bỏ quên.
Vẻ đẹp ấy sẽ còn được khai thác tiếp tục ở một mảng kiến trúc đặc biệt hơn, đa dạng hơn, không chỉ là gạch, là gốm mà còn là những tác phẩm điêu khắc mang hồn Việt Nam.
Mời quý vị xem các chương trình Làng nghề Việt đã phát sóng tại đây./.