Thầy giáo Chu Văn An, tên thật là Chu An, tự là Linh Triệt. Ông sinh ngày 15 tháng 8 năm Nhâm Thìn (tức năm 1292) tại làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay thuộc xóm Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội).
Là người từng mở trường tư thục để giúp cho dân nghèo cũng có cơ hội học tập, Chu Văn An dạy học đến cuối đời và có nhiều học trò xuất sắc. Vì vậy, thầy giáo Chu Văn An được tôn vinh là “ngọn Tuệ Đăng bất tử”, là “vạn thế sư biểu”, tức “người thầy giáo mẫu mực của muôn đời”.
Điểm đến đầu tiên khi đến thăm quần thể di tích đền thờ thầy giáo Chu Văn An chính là đền Trình hay còn gọi là Điện Lưu Quang, mang ý nghĩa là nơi lưu lại ánh sáng của tâm đức và trí tuệ. Đây cũng chính là nơi mà thầy Chu Văn An mở trường dạy học khi về ở ẩn. Ngày nay, lễ khai bút đầu xuân và tục xin chữ bằng mực son đỏ diễn ra hàng năm vào ngày mùng 6 tháng Giêng Âm lịch chính là nét văn hóa độc đáo vẫn được gìn giữ tại ngôi đền này.
Tiếp đến là khu đền thờ, với 112 bậc đá dẫn lên đền Chính cùng với các công trình như: tam quan nội, tam quan ngoại, sân hạ, sân trung, sân thượng, vườn cây, nhà giải vũ, nhà bia. Trong đó, đền chính “Phượng sơn linh từ” có kiến trúc chữ Đinh, gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung.
Cách đền thờ tầm 600m là khu lăng mộ của thầy giáo Chu Văn An. Lăng xây theo hướng Đông Nam, trên đó được điêu khắc, trang trí tỉ mỉ các hình tượng như cuốn sách, cây bút hay bông hoa… thể hiện cho đức nghiệp thanh cao, trong sáng vì sự nghiệp giáo dục đất nước của thầy giáo Chu Văn An.
Đến thăm quần thể di tích đền thờ Chu Văn An, khi thành kính thắp nén nhang tri ân bậc tiền nhân lỗi lạc, ta cũng như đang đứng lặng, soi lại chính mình.
Trong cái không khí xanh mát của rừng thông núi Phượng, những trang sử hào hùng về tài, đức của một người thầy được muôn dân nước Việt tôn vinh vẫn còn vang vọng mãi đến ngàn đời./.
Mời quý vị xem lại các chương trình đã phát sóng trên kênh Vietnam Journey tại đây.