Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta lại gọi Lục yên – Yên Bái là vùng đất ngọc. Mảnh đất miền núi này được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho một nguồn đá quý trữ lượng lớn. Nếu như Ruby, thạch anh được dùng để làm đồ trang sức, thì với nguồn đá trắng hoa cương người ta sẽ dùng để chế tác đá mỹ nghệ và dòng đá này được ưu ái gọi bằng cái tên “bạch ngọc”.
Nghề chế tác đá mỹ nghệ của huyện Lục Yên nằm rải rác ở tất cả các xã, nhưng được nhắc đến nhiều nhất là 2 xã Liễu Đô và Tân Lĩnh – nơi tập trung đến 90% số xưởng chế tác đá mỹ nghệ của Lục Yên. Phần vì đây là nơi tập trung các mỏ khai thác đá, phần nữa là do 2 xã này nằm ngay trục đường chính, cửa ngõ dẫn vào thị trấn Yên Thế, nối Lục Yên với thành phố Yên Bái và các tỉnh lân cận, thuận tiện trong việc vận chuyển các sản phẩm đá mỹ nghệ sau khi chế tác, vốn cồng kềnh và đòi hỏi sự cẩn thận, đến các thị trường rộng lớn.
Các sản phẩm đá mỹ nghệ ở Lục Yên đa dạng về chủng loại và kích cỡ.Từ những bức tượng được Phật, tượng Bồ Tát được tạc từ đá trắng cao đến vài met và nặng cả tấn thường được an trí tại chùa, đến dòng tiểu cảnh, đá phong thủy được các gia đình trang trí trong nhà… Nói về nghề chế tác đá mỹ nghệ này, có lẽ không ai có thể phủ nhận đây là một nghề vừa vất vả vừa tỉ mẩn. Từ khâu chọn đá, đến mang về nhà chế tác tất cả đều cần đến sức lực, óc sáng tạo và sự kì công của người thợ. Đặc biệt là với dòng tượng thờ, để tạo tạc được những bức tượng có hồn, người thợ còn cần phải có “duyên”. Có lẽ vì lí do ấy mà trong hầu hết các công đoạn của nghề phần nhiều đều do những người đàn ông đảm nhiệm. Người ta bảo nhau, để làm được cái nghề này, bên cạnh kĩ thuật điêu luyện bạn còn cần phải “say”. Chỉ có say đá thì mới bám trụ được với cái nghề vất vả và “khó chiều” này.
Mời quý vị xem các chương trình Làng nghề Việt đã phát sóng tại đây./.