Video Làng nghề Việt

Nước mắm Khúc Phụ - Vị ngọt từ biển

Trong 5 xã ven biển thuộc huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, duy chỉ xã Hoằng Phụ là có nghề truyền thống làm nước mắm với thương hiệu Khúc Phụ nức tiếng gần xa.
09:47 - 28/04/2021

Ở Hoằng Phụ, người ta có hai nghề lớn: đó là đi biển và làm mắm. 

Những con thuyền này mỗi chuyến đi biển trở về lại đầy ắp cá tôm, và rồi một phần nguyên liệu ấy đã trở thành những giọt nước mắm nguyên chất, ngọt ngào, mang đến hương vị đặc biệt cho những bữa cơm truyền thống của người Việt.

Tên Khúc Phụ từ đâu mà có, giờ không ai nhớ rõ, chỉ nghe những bậc cao niên trong vùng kể lại nghề làm nước mắm Khúc Phụ ra đời từ cuối thế kỷ XVII do cụ Cao Văn Điển, quê ở Hà Tĩnh mang tới. Là một thương nhân buôn bán nước mắm, nhận thấy vùng biển này có nguồn cá dồi dào, làm ra nước mắm ngon, ông liền đưa cả gia đình đến đây để muối cá, làm nước mắm. Rồi từ đó mà hình thành nên cả một làng nghề mấy trăm năm tuổi.

Để làm ra nước mắm Khúc Phụ, người dân ở đây vẫn duy trì lối sản xuất truyền thống có từ ngàn đời nay. Cá được muối chủ yếu là cá cơm, cá nục, cá trích tươi ngon, theo tỷ lệ “3 cá, 1 muối”, hoàn toàn thủ công, phơi nắng và đảo chượp, nên màu mắm đẹp, sáng hơn so với hình thức nén, ép. Quá trình phân rã cá tự nhiên cũng phải mất thời gian từ 12 tháng trở lên, tùy thuộc vào từng loại cá. Khi cá đã ngấu thành chượp, phải đánh đảo liên tục. Trong thời gian đó, người làm mắm phải rất cẩn thận không để cho nước hoặc mưa rơi vào, phơi nắng thường xuyên liên tục, che chắn nắp cẩn thận. Quá trình ngâm ủ cứ 3-4 tháng thì rút nước 1 lần, rồi lại đổ lại thùng dội thật đều để khi chín nước mắm tránh bị đọng muối nhiều và đều vị. Một mẻ mắm từ lúc bắt đầu muối cá cho đến khi ra sản phẩm có thể mất đến 24 tháng.

Nghề làm nước mắm có một đặc thù riêng là ai cũng có thể làm được, nhưng không phải ai cũng có thể làm ra được nước mắm ngon. Đó là một nghệ thuật mà các nghệ nhân nơi này đã dành trọn bao tâm huyết, đúc rút kinh nghiệm không biết bao nhiêu đời để tạo ra được hương vị đặc trưng của quê nhà. 

Năm 2015, nước mắm Khúc Phụ được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp logo và chứng nhận nhãn hiệu tập thể, được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp mã vạch. Đây là nỗ lực cũng là niềm vui của bà con nông dân làm mắm Khúc Phụ. Nhờ đó, thương hiệu nước mắm Khúc Phụ đã lan tỏa khắp các vùng, nhu cầu cũng như thị trường tiêu thụ được mở rộng rất nhiều.

Mời quý vị xem các chương trình Làng nghề Việt đã phát sóng tại đây./.