Ẩm thực

10 món bún nổi danh ai cũng muốn thưởng thức

16:49 - 15/05/2019
Không có nền ẩm thực nào mà các món bún lại đa dạng như ẩm thực Việt. Đi khắp 3 miền đất nước, đâu đâu cũng có thể tìm thấy những món bún ngon mang thương hiệu riêng.

1. Bún thang Hà Nội

Bún thang là thức đặc sản gọi tên riêng của Hà Nội. Bún thang được xếp vào hàng đặc sản cao cấp trong các loại bún, là thức quà Hà Nội thanh nhã và tinh tế. Bún thang được chế biến từ những nguyên liệu rất giản dị gần gũi như giò lụa, thịt gà luộc, trứng chiên, nấm hương.

Nước dùng của bún thang được nấu từ nước xương heo và gà, tôm khô, râu mực nên rất ngọt và thơm. Bát bún thang hoàn hảo là sự kết hợp của tất cả các nguyên liệu nhiều màu sắp được sắp xếp đẹp mắt trên miệng bát và được dùng kèm với nước dùng nóng hổi. Một lần thưởng thức, khó ai có thể quên được hương vị độc đáo của món bún cầu kì này.

2. Bún chả Hà Nội

Bún chả cũng là món quà vô giá của ẩm thực Tràng An từ xưa đến nay. Bún chả gồm thịt miếng hoặc thịt viên tẩm gia vị đậm đà, nướng chín thơm trên than hoa, ăn cùng bún rối mát lạnh, nước chấm chua ngọt đậm đà, rau sống. Đây là thứ đặc sản giá trị bậc nhất của ẩm thực Hà Thành.

3. Bún cá Thái Bình

Món ăn này nổi tiếng nhất ở Quỳnh Côi. Miếng cá rô đồng vừa dai, vừa giò ăn cùng rau xanh, hành lá, thì là. Lúc thì dùng rau cải, rau cần mùa lạnh, lúc thì dùng ngót hay rau nhút mùa nóng. Người làm chắc hẳn cũng có bí quyết riêng và cách chế biến kỳ công. Rõ mùi nghệ, gừng vẫn còn thơm nguyên, hẳn được cho vào khi ướp cá.

4. Bún tôm Hải Phòng

Bún tôm là món ăn đặc trưng của ẩm thực Hải Phòng, có nguyên liệu chủ đạo là bún và hải sản (thông thường là tôm). Bún phải là loại bún sợi to, tôm là tôm sú hoặc tôm giảo tươi, tùy khẩu vị mà có thể thêm sườn non, chân giò. Rau ăn kèm thường là rau cần, rau cải xanh, mộc nhĩ, nấm hương, thì là, hành lá. Tuy mỗi nơi có cách biến tấu khác nhau nhưng nguyên liệu nhất thiết phải có một vài món xuất xứ từ vùng biển Hải Phòng thì mới được coi là bún tôm chuẩn.

5. Bún bò Huế

Bún bò Huế là một trong những đặc sản của xứ Huế. Tại Huế, món này được gọi đơn giản là "bún bò".

Các địa phương khác gọi là "bún bò Huế" để chỉ xuất xứ của món ăn này. Món ăn có nguyên liệu chính là bún, thịt bắp bò, giò heo, cùng nước dùng có màu đỏ đặc trưng. Trong nước dùng của bún, người Huế thường nêm vào một ít mắm ruốc, góp phần làm nên hương vị rất riêng của nồi bún bò Huế.

6. Bún mắm nêm Đà Nẵng

Bún mắm nêm đã trở nên rất quen thuộc, gần gũi với người dân Đà Nẵng. Nó là đặc sản bình dân mà bạn có thể tìm ăn ở bất cứ đâu trong thành phố Đà Nẵng. Món ăn có 2 thành phần chính là bún và mắm, thêm rau sống, đậu phộng rang, mít non luộc, thịt heo quay hoặc heo luộc, nem chả tùy vào sở thích của mỗi người và các loại gia vị đi kèm.

Điểm đặc sắc của bún mắm Đà Nẵng đến từ mắm nêm. Mắm nêm được làm từ cá cơm rửa sạch bởi nước biển, ướp với muối theo công thức lưu truyền. Khi mắm chín sẽ có mùi thơm ngào ngạt đặc trưng, lan tỏa khắp vùng, quyến rũ mọi khứu giác của thực khách.

7. Bún cá Nha Trang

Bún cá trong văn hóa ẩm thực của người dân biển Nha Trang thân thuộc như món phở với người Hà Nội hay tô mì Quảng với người Quảng Nam. Vì là vùng biển nên nguyên liệu nấu bún cá cũng là cá biển chứ không phải loại cá đồng, cá nước ngọt như các tỉnh miền Bắc hay miền Tây.

Cá ở đây là chả cá, được làm từ cá tươi, quết bằng tay, là sự kết hợp của nhiều loại cá khác nhau nên vị ngọt đậm đà, tươi, ngon chứ không rõ ràng toàn bột như các loại cá viên chiên hay các loại chả khác.

8.  Bún đỏ Buôn mê Thuột

Bún đỏ là món ăn bình dân của người Đắk Lắk mang đậm hương vị Tây Nguyên. Người dân ở đây đặt tên cho món ăn theo màu đò đỏ của sợi bún. Sợi bún dùng trong món bún đỏ rất lớn, tựa loại sợi dùng bánh canh, cỡ bằng chiếc đũa, vị giòn dai. Nguyên liệu làm bún không làm nên màu đỏ của  sợi bún mà phải qua công đoạn "nhuộm màu" hết sức độc đáo từ hạt điều.

Điểm nhấn quan trọng trong nồi nước dùng là gạch cua với thịt ba chỉ xay, hành củ băm nhỏ trộn với hạt tiêu được nặn thành từng bánh nhỏ nấu chung với nước dùng.

9. Bún nước lèo Sóc Trăng

Bún nước lèo là loại bún nước thịnh hành tại nhiều địa phương miền Nam Việt Nam, đặc biệt nổi tiếng tại Trà Vinh, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Là đặc sản xuất xứ từ người Khmer, trong quá trình cộng cư của các dân tộc Khmer, Việt, Hoa và sự giao thoa trong ẩm thực, bún nước lèo trở thành món ăn chung của các dân tộc miền Nam Việt Nam với nguyên liệu, quy trình chế biến và thưởng thức, khẩu vị về cơ bản là giống nhau.

Nước lèo được nấu từ một số loại mắm thông thường như mắm cá sặc, mắm cá linh, riêng người Khmer thường nấu bằng mắm bò hóc (pro-hốk) cá kèo, cá lóc hoặc lươn. Rau dùng cho bún nước lèo: bắp chuối, rau muống, rau Huế, rau răm, rau húng lũi, hẹ lá, giá..

10. Bún cá Châu Đốc

Bún cá Châu Đốc nổi tiếng là món ăn đậm đà nhiều vị. Để nấu được một tô bún cá ngon, người nấu phải thực hiện nhiều công đoạn tỉ mỉ. Nước dùng của bún cá được nấu bằng nước luộc cá, cá sử dụng phải là loại cá lóc. Nghệ tươi băm nhuyễn, sả đập và mắm ruốc đã lọc được nước trong là những thành phần không thể thiếu để có một nồi bún cá Châu Đốc đúng điệu.

Món cá dùng trong bún cá Châu Đốc phải là cá lóc, nạc cá tách xương tỉ mỉ, xào sơ với nghệ để có màu vàng đẹp và mùi thơm. Ngoài ra, một món ăn kèm không thể thiếu trong tô bún cá Châu Đốc phải kể đến là thịt heo quay. Heo quay phải là loại vừa có nạc, vừa có mỡ và da giòn nhẹ.

Các món ăn từ bún trên đây là những món ngon đặc trưng theo từng vùng miền của Việt Nam. Nếu có thể bạn hãy thưởng thức hết những món ăn này chắc chắn sẽ đem lại cảm nhận thú vị trên mỗi đặc sản vùng miền.

Hà Dương/ giadinhvietnam.com