Theo tiếng Khmer, “đu đủ đâm” (đu đủ giã) được gọi là bốk-la-hông, tên một món gỏi nổi tiếng của Campuchia. Nằm gần biên giới với quốc gia này, người dân Tri Tôn (An Giang) đã học hỏi, biến tấu và cho ra đời món ăn hòa quyện với văn hóa đời sống địa phương. Địa điểm có nhiều quán ăn chế biến món "đu đủ đâm" là tại sóc Phnom Pi thuộc xã Châu Lăng (huyện Tri Tôn), chỉ một đoạn đường chưa đến 500m có hơn 10 quán bán món ăn dân dã này. Vì vậy mà nơi đây được mệnh danh là con đường "đu đủ đâm" ở miền Tây.
Cái tên “đu đủ đâm” cũng xuất phát bởi cách thức chế biến độc đáo. Thay vì trộn gỏi như thông thường lại sử dụng chày cối để đâm, giã các nguyên liệu sao cho thấm đều. Sự kết hợp hài hòa của đầy đủ hương vị: chua chua của chanh, cay nồng của ớt, mặn nồng của mắm… đã tạo nên “bản giao hưởng” ẩm thực đặc sắc.
Song, những nguyên liệu để chế biến “đu đủ đâm” lại rất dễ tìm. Đầu tiên phải kể đến đu đủ xanh bào sợi, tiếp đó là rau muống, đậu đũa, cà chua, chanh, củ hành cùng các loại gia vị như đường, tỏi, ớt.
Đặc biệt là phần mắm ruốc được pha chế theo công thức riêng với độ mặn ngọt vừa phải, có thể thay thế bằng loại mắm ba khía làm tăng độ béo bùi. Sau đó, cho tất cả vào cối và dùng chày giã cho đến khi đu đủ thấm đẫm gia vị, rắc thêm đậu phộng, rau thơm lên trên là hoàn thành.
Riêng khâu chọn và sơ chế đu đủ đóng vai trò rất quan trọng cho món ăn. Phải là loại sắp chín ngả vàng, bào sợi rồi ngâm với nước muối loãng và đá lạnh trước cho giòn lâu. Để tăng thêm phần hấp dẫn, kích thích vị giác và đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, một số nơi còn dùng kèm bánh tráng, xiên thịt nướng, trứng luộc…
Dạo bước trên những con đường ở Tri Tôn, không khó để bắt gặp những quán ăn ven đường bày bán “đu đủ đâm”. Mùi mắm thơm lừng cùng tiếng rao hàng cứ thế níu chân nhiều du khách thưởng thức. Phải kể đến sóc Phnom Pi, nơi được mệnh danh là “con đường đu đủ đâm” của miền Tây, dù chưa đến 500m nhưng có hơn 10 hàng quán bán món ăn dân dã này. Hơn cả, “đu đủ đâm” chứa đựng nét đẹp văn hóa ẩm thực đặc sắc của “Vùng đất Bảy Núi”. Món ăn thường được bày lên mâm cỗ trong những dịp lễ Tết, hội hè, thể hiện sự tôn trọng sự trù phú của thiên nhiên cũng như gắn kết cộng đồng. Chắc chắn, “đu đủ đâm” sẽ để lại trong lòng du khách những ấn tượng khó phai và trở thành một phần không thể thiếu trong hành trình khám phá An Giang.
Nguồn vtcnews.vn/ internet