Tôi đến với Làng nhà sàn Thái Hải trong một chuyến đi đầu năm lên Thái Nguyên có việc gia đình, và muốn tranh thủ nghỉ lại một đêm ở một điểm du lịch nào đó rồi hôm sau về. Để đỡ tốn công tìm hiểu, đoàn nhà tôi đã liên hệ trước với người nhà trên Thái Nguyên nhờ gợi ý cho một nơi tham quan du lịch lợp lý. Và các “thổ địa” Thái Nguyên đã lựa chọn Khu du lịch sinh thái Thái Hải cho đoàn Hà Nội chúng tôi.
Tin tưởng và “phó mặc” theo sự sắp xếp của người nhà trên Thái Nguyên, đoàn chúng tôi cũng không tìm hiểu thêm và đến đây mà gần như không biết gì về điểm đến này, nên tất nhiên, cũng không ai kỳ vọng gì nhiều, kể cả khi đến cổng cũng chưa có được ấn tượng gì rõ nét. Thế nhưng, càng đi sâu vào, trải nghiệm trong vòng chưa đầy 24h ở Làng nhà sàn Thái Hải càng đưa chúng tôi đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác, để rồi khi ra về, ai nấy đều tâm đắc, thích thú và lưu luyến.
Chuyến tham quan với nhiều nét đẹp văn hóa dân tộc
Đầu tiên, khi đến nơi, thay vì check-in nhận phòng ngay như nhiều nơi khác, thì đoàn chúng tôi được mời vào bàn uống trà và ăn bánh khảo. Tiếp đón chúng tôi là chị Lý Thị Chiên – người dân tộc Tày, phó giám đốc khu sinh thái, hay còn gọi là phó bản. Sau khi giới thiệu sơ qua về khu này, chị Chiên mời đoàn chúng tôi đi tham quan và tìm hiểu kỹ hơn về bản làng của chị.
Khu vực tiếp đón du khách ở cạnh cổng vào
Trước khi bắt đầu chuyến tham quan, phụ nữ trong đoàn tôi quyết định thay những chiếc váy xòe rực rỡ của dân tộc Mông để chụp ảnh cho hợp với khung cảnh thiên nhiên, nhà sàn. Trang phục dân tộc được cho thuê với giá 30.000đ/bộ ở quầy hàng lưu niệm ngay cạnh khu tiếp đón.
Bắt đầu chuyến tham quan, cả đoàn được chị Chiên dẫn đi ra chỗ giếng nước đầu làng để rửa tay, rửa mặt như một nghi thức gột rửa trước khi vào làng. Làn nước mát lành khiến ai nấy đều cảm thấy sảng khoái và hào hứng vì được thực hiện một phong tục của bản làng.
Giếng nước được xếp bằng những viên đá rất đẹp
Chị Lý Thị Chiên múc nước giếng cho mọi người lần lượt rửa tay trước khi vào làng
Chị Chiên kể những câu chuyện về bản làng và các phong tục truyền thống giúp chúng tôi hiểu thêm được nhiều điều lý thú về văn hóa của người Tày
Tiếp tục đi vào trong làng, những ngôi nhà sàn nhiều năm tuổi dần hiện ra, lấp ló sau những tán cây um tùm, chị Lý Thị Chiên lần lượt dẫn chúng tôi thăm 3 căn nhà sàn giới thiệu các nghề truyền thống tiêu biểu của người Tày, nghề làm thuốc, làm chè, làm rượu, cùng những nét sinh hoạt gia đình, cộng đồng của người Tày.
Những ngôi nhà sàn mộc mạc ẩn mình sau những tán cây
Bên trong nhà rượu, du khách vừa nhâm nhi chén rượu thơm lừng, vừa được nghe những bài hát then qua giọng hát và tiếng đàn của những người phụ nữ thuộc các thế hệ khác nhau
Sau một buổi tham quan đi bộ khá nhiều, tối đến, đoàn chúng tôi quyết định trải nghiệm dịch vụ ngâm chân nước thuốc nóng (100.000đ/người) để tận hưởng cảm giác thư giãn.
Nước được đun trên bếp củi và múc bằng gáo tre vào trong ống tre rồi đổ ra thùng gỗ cho khách ngâm chân
Trải nghiệm ngâm chân nước thuốc nóng thư giãn và tốt cho sức khỏe
Một ốc đảo xanh yên bình
Trên một diện tích rộng lớn khoảng 25 hécta, là không gian thiên nhiên tươi xanh, với núi đồi cỏ cây, hoa lá và hồ nước lớn. Bước trên những con đường rợp bóng cây, chúng tôi cảm nhận được một bầu không khí trong lành mát mẻ và thanh bình, hoàn toàn trái ngược với khói bụi thủ đô mà chúng tôi phải đối mặt hàng ngày.
Những tán cọ to xòe mọc um tùm dưới những gốc cây cao vút
Chốc chốc lại bắt gặp những đàn gà lang thang trong sân, thảnh thơi kiếm mồi - một khung cảnh yên bình thực sự
Tại đây, mọi thứ dường như đều rất dung dị, mộc mạc. Những ngôi nhà sàn gỗ lợp mái lá, những vật dụng sinh họa cũng chủ yếu được làm từ các chất liệu tự nhiên như tre, nứa, gỗ, gốm, đất, lá cây...
Một góc sân đẹp dịu dàng với những đồ vật bằng các chất liệu hoàn toàn tự nhiên
Sức hấp dẫn từ chính những cư dân của bản làng
Khác với những khu du lịch thông thường, mục đích xây dựng và phát triển ban đầu của khu này không phải để làm du lịch mà là để gìn giữ, bảo tồn những ngôi nhà sàn và truyền thống văn hóa của dân tộc Tày vùng ATK cách mạng trước nguy cơ mai một. 30 ngôi nhà sàn của người dân tộc Tày từ khu Định Hóa được mua lại, vận chuyển và phục dựng nguyên bản tại vùng đồi xóm Mỹ Hào – Thịnh Đức – TP.Thái Nguyên.
Nhưng quan trọng hơn cả, là không chỉ giữ lại “phần xác” – tức những ngôi nhà sàn, mà còn phải thổi được vào đó “phần hồn” – tức là sự sống của con người bên trong những nếp nhà đó, và hồn vía của cả một bản làng dân tộc. Làng nhà sàn Thái Hải đã làm rất tốt điều này.
30 ngôi nhà sàn cũng chính là nơi sinh sống của 30 gia đình nhiều thế hệ người dân tộc, chủ yếu là người Tày. Cũng chính họ, trong sắc áo chàm truyền thống, vừa chăn nuôi, trồng trọt, lao động, sản xuất, vừa tham gia phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ ngơi, du lịch.
Trang phục truyền thống đặc biệt được người dân làng chú trọng. Ngay cả các em bé mới chỉ 1-2 tuổi cũng được mẹ cho mặc áo chàm để các em được quen với trang phục truyền thống của dân tộc mình từ nhỏ.
Bà và cháu gái tươi vui trong sắc áo chàm giản dị
Du khách nước ngoài cũng rất thích thú khi gặp các em bé dân tộc
Những người Tày thân thiện, luôn chào hỏi lịch sự nở nụ cười hiền hậu khi gặp du khách. Các em nhỏ hồn nhiên, xinh xắn đáng yêu với đôi mắt trong veo cũng để lại cho chúng tôi một ấn tượng rất tốt đẹp. Các em không hề rụt rè khi gặp người lạ, và cũng không hề có chuyện xin xỏ kẹo bánh, tiền nong như ở một số vùng cao khác.
Những cậu bé hồn nhiên vui chơi ngoài sân. Ở đây trẻ em không bị "nghiện" các thiết bị công nghệ như điện thoại, ipad, TV, máy tính...
Có một cậu bé cứ làm chúng tôi ấn tượng mãi vì điều mà cậu nói. Lúc ấy chúng tôi đang đi tham quan trong làng thì thấy 3 cậu bé tầm 4-6 tuổi đang chơi cùng nhau. Thấy chúng tôi lại gần chụp ảnh và hỏi han vu vơ vài câu, bỗng một cậu bé tự nói: “Bọn cháu không lấy tiền đâu nhé! Mẹ cháu dặn không được cầm tiền của các cô các chú! Cô chú mà đưa vào tay thì phải trả lại!” Chỉ một điều rất nhỏ thôi đã thể hiện sự giáo dục rất tốt mà các em nhận được.
Hài lòng và ấn tượng từ những điều nhỏ nhất
Với kinh nghiệm cũng từng du lịch ở nhiều mô hình kinh doanh nhà sàn khác, tôi thường rất ái ngại về vấn đề vệ sinh. Nhưng bản làng Thái Hải lại thực sự làm chúng tôi bất ngờ về độ sạch sẽ. Mỗi ngôi nhà sàn đều có khu vệ sinh nhiều buồng khép kín nằm kín đáo bên hông nhà. Nhà vệ sinh khô ráo, sạch bóng, thơm tho. Nhà tắm rộng rãi, sáng sủa, nước nóng có 24/7 được bơm từ nguồn đun tổng của cả làng. Khăn tắm hay chăn ga gối đều được giặt sạch sẽ, thơm nức hương nước xả vải.
Khu vệ sinh tiện nghi và sạch sẽ khiến trải nghiệm của du khách thêm trọn vẹn
Bên trong nhà sàn cho du khách nghỉ lại (giá 100.000đ/người/đêm), chăn đệm được trải ngay ngắn, màn được mắc sẵn để tránh côn trùng
Những chiếc thùng rác phân loại thể hiện ý thức bảo vệ môi trường
Trải nghiệm lễ hội dân gian đậm đà bản sắc dân tộc
Không chỉ tái hiện nếp sống sinh hoạt đời thường của những người dân tộc, tại bản làng Thái Hải còn thường xuyên diễn ra những hoạt động tập thể, những lễ hội dân gian truyền thống của người Tày.
Đoàn chúng tôi may mắn khi có mặt tại bản làng này đúng vào dịp lễ hội Lồng Tồng (ngày 6 tháng Giêng âm lịch) và đã được mời tham dự cùng với người dân bản và các du khách khác.
Người dân làng nô nức tham dự lễ hội Lồng Tồng với hoạt động chính là cuộc thi ném còn. Quả còn được những người phụ nữ khâu bằng những mảnh vải màu sắc, bên trong chứa đầy hạt thóc giống.
Lễ hội diễn ra trên sân vận động của làng, được tổ chức bài bản theo đúng nghi lễ của người Tày, thu hút sự tham gia hào hứng của du khách
Sau khi trưởng làng thực hiện nghi thức cúng lễ, tất cả mọi người có mặt cùng xếp thành hàng đi vòng quanh sân 9 vòng trước khi bắt đầu hội thi ném còn
Quả còn được ném xuyên qua vòng tròn trên ngọn tre cao vút tượng trưng cho một năm may mắn, mưa thuận gió hòa và mùa màng bội thu cho bản làng
Cha truyền con nối - gìn giữ những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình
Người đầu tiên chinh phục được thử thách này năm nay là một du khách người Bắc Giang. Trưởng làng thay mặt cho cả làng cảm ơn và trao thưởng cho du khách may mắn này
Mừng lễ hội, một con bò nặng trăm cân đã được quay từ sáng sớm để chiêu đãi tất cả người dân và du khách
Thịt bò nướng thơm lừng được trai làng xẻ tại chỗ, bày lên những chiếc mẹt lót lá cọ, ăn nóng bỏng tay. Trong không khí lễ hội hân hoan, người dân và du khách cùng nhau nâng ly uống mừng, hô vang câu "chúc mừng năm mới" bằng tiếng Tày đầy hào hứng.
"Bàn tiệc" hấp dẫn tất cả mọi người sau những phút tung còn toát mồ hôi
"1,2,3 zô" và "chúc mừng năm mới" được tất cả đồng thanh hô vang bằng tiếng Tày
Chuyến du lịch hai ngày một đêm ở Làng nhà sàn Thái Hải tuy thời gian không dài, nhưng đã cho chúng tôi rất nhiều trải nghiệm đặc sắc và để lại những ấn tượng cực kỳ tốt đẹp, khó phai về một mô hình bảo tồn văn hóa đáng quý kết hợp du lịch bền vững và bài bản của người dân tộc Tày.
Hà Thu, Vietnam Journey
Lễ hội Lồng tồng cũng thường gọi là Lễ Hội xuống đồng, là một lễ hội của dân tộc Tày, cũng là nét quy tụ những sắc thái văn hóa đặc trưng nhất của các dân tộc như: Nùng, Dao, Sán Chỉ.... Được xem là hoạt động tín ngưỡng cầu trời cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no. |
KHU BẢO TỒN LÀNG NHÀ SÀN DÂN TỘC SINH THÁI THÁI HẢI còn được gọi bằng nhiều cái tên thân thương và mộc mạc khác như BẢN LÀNG THÁI HẢI, hay GIA ĐÌNH THÁI HẢI. Dù mới hoạt động đón khách du lịch chỉ mới vài năm, nhưng đây được coi như là một trong ít những điểm du lịch tiêu biểu nhất của Thái Nguyên về chất lượng phục vụ và tính độc đáo của điểm đến. |