Cà Mau quê tôi không nhiều trái cây có giá trị kinh tế, giá trị xuất khẩu như các tỉnh khác ở miền Tây, song có những loại trái mang giá trị của ký ức, của hồn quê, mà lứa tuổi 8X trở về trước coi đó là đặc sản. Nhớ hồi đó, mỗi chiều là bọn tôi tụm năm tụm ba rủ nhau đi hái bần, hái bình bát. Tôi nhát, chỉ xí mấy nhánh gần, cặp bờ nên lúc nào cũng được ít trái hơn bọn con trai trèo cao, lội đìa giỏi. Có được “chiến lợi phẩm”, trái nào muồi, tụi tôi bẻ ra ăn ngay trên đường về, vừa ăn vừa bàn chuyện nắng mưa. Trái nào hườm hườm thì “đóng thùng” bỏ vô đầy trước bụng, lỉnh khỉnh mang về giú khạp gạo, mấy ngày sau ăn mới ngon.
Người lớn la không cho cầm dao sợ đứt tay, tôi lấy muỗng cạo sạch vỏ bình bát, dầm với đường, nước đá đập, có bữa đổ thêm chút sữa bò, ăn ngất ngây. Thằng em tôi lần nào ăn bình bát cũng bị mẹ rầy vì phun hột tứ tung, đi đạp dính xuống nền đất khó quét. Hương vị thơm, ngọt, bùi ấy chắc hẳn khắc sâu trong trí nhớ mỗi người từng thưởng thức loại “đặc sản” này.
Còn trái bần thì nhà tôi ai cũng ưa thích và chế biến thành nhiều món. Trái sống thì cha tôi ăn kèm với mắm; trái vừa chín tới thì tôi rủ mấy đứa bạn lại cắt lát, chấm nước mắm đường; trái muồi quá, mẹ tôi mang nấu canh chua bông súng, có khi dầm với cá kho, mùi thơm phảng phất khắp nhà.
Hồi chưa chuyển dịch làm vuông, ở quê hầu như nhà nào cũng có cây ổi, cây khế quanh nhà. Nhà tôi cũng vậy. Khế chua nên tụi tôi ít khi ăn, chỉ thích ngắm hoa khế tim tím, li ti đan vào nhau trên khắp các cành lớn, nhỏ. Chỉ sau vài trận mưa rào, nụ hoa bung nở, gió thổi bay khắp sân, tụi tôi gom cánh hoa khế chơi đồ hàng với nhau. Còn mấy cây ổi nếp sau nhà, trái vừa bớt chát đã bị bọn tôi lặt hết, mà trái nào cũng chi chít dấu móng tay bấm thăm chừng hàng ngày.
Nhớ có lần đi vườn bẻ ổi gặp phải ổ ong ruồi, nhỏ em tôi bị rượt chạy tới đầu đất, đến nỗi phải lặn xuống đìa mới thoát. Nhỏ ấm ức mấy ngày liền vì mặt sưng không ai cho đóng vai chính trong tuồng “Nguyệt hổ vương” mà nhỏ bỏ công học lời, học biểu diễn cả tháng trời.
Không ngờ cây mọc hoang tự nhiên, quê mùa như bình bát, bần, khế, ổi… đều có chứa các thành phần có lợi cho sức khoẻ. Thành phần trong các bộ phận trên cây bình bát giúp nâng cao sức khoẻ, giảm gặp phải các vấn đề về thị lực, giúp giải nhiệt… Trái bần có tác dụng tiêu viêm, giảm đau, lá bần giúp chữa bí tiểu tiện và cầm máu. Trái khế giúp hỗ trợ tiêu hoá, ngăn ngừa bệnh tim mạch, tốt cho thị lực và kiểm soát đường huyết. Còn trái ổi tốt cho người cao huyết áp, giúp giảm ho, cảm lạnh, đẹp da… Chắc hồi nhỏ do ăn nhiều trái này nên bọn tôi đủ sức suốt ngày dang nắng, tắm mưa, ngoi dưới sông, dưới đìa… mà cứ mạnh cùi cụi ra.
Mỗi lần đi tác nghiệp, thấy chỗ nào có mấy loại cây này là tôi không muốn rời đi. Cảm xúc nhớ nhung hiện về nơi vùng quê nghèo khó mà dung dị, yên bình với thức quà vặt của lũ trẻ chỉ là quả dại hay nhà trồng mà vẫn ngon hết sẩy. Giờ ở chợ thành, lâu lâu có người quê bán bình bát, ổi, bần, khế…, nhiều người ghé mua tỏ vẻ thích thú như để xoa dịu miền ký ức đẹp đẽ.
Tôi dừng lại ngắm nghía, rồi cũng mang về giới thiệu cho sắp nhỏ ở nhà. Rằng đây là món ưa thích của mẹ lúc nhỏ, tuy nó không giá trị bằng các loại trái bây giờ nhưng chất chứa một thời tuổi thơ. Nhỏ con cứ cầm lên, để xuống mà không biết cách ăn như thế nào.
Ðã mấy chục năm qua đi, giờ gặp lại đám bạn chúng tôi ngày xưa cứ nhắc miết chuyện trèo cây, lội đìa hái trái, rồi chiều chiều mang theo hùn nhau vừa ăn vừa chơi nhảy dây, trốn tìm, thảy đá… Theo sự phát triển xã hội, những loại cây trái quê có thể dần bị quên lãng, nhưng vẫn mãi là đặc sản về quê hương, xứ sở, sống trong ký ức bình yên, đẹp đẽ của mỗi người.
Theo Báo Cà Mau
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |