Tháng 3, tháng 4 Âm lịch, ở miền Tây Nam bộ xưa, đồng khô cỏ cháy. Đây là mùa nắng nên cánh đồng chỉ còn trơ lại những gốc rạ cứng như chông trên thửa đất nứt nẻ dọc ngang. Đìa, ao nào sâu, may ra còn chút lớp bùn non ẩn sau lớp váng khô là nơi lưu sinh của cá đồng, nhất là cá lóc. Cá lóc mùa này “ốm như sậy”, thịt chát và xám xì. Muốn ăn cá lóc ngon, nhất là cá lóc nướng trui, phải đợi đến sau mùa nước nổi.
“Tháng bảy nước nhảy lên bờ”, khi sông, rạch, ruộng đồng mênh mông những nước, sau bao ngày mưa giăng trắng ngọn làm tươi tốt rong rêu, cây cỏ, thức ăn ê hề, cá lóc bắt đầu hồi sinh. Nhưng phải đợi đến khi những cơn mưa dầm chỉ còn là những "cơn mưa tro" và những ngọn gió bấc lao rao về thì cá lóc mới bắt đầu mập mạp.
Trong không khí se lạnh của đất trời nằng nặng một màu chì, “mùa đông” miền Tây Nam bộ xưa rất vui, vì đó là mùa thu hoạch lúa. Những hội hè, đình đám bắt đầu nhộn nhịp. Nhưng cái vui dân dã nhất, ít tốn kém nhất không gì hơn tổ chức tát đìa (có nơi gọi là chụp đìa) bắt cá.
Năm bảy người trầm mình, dùng thùng thiếc “vét” đến “giọt nước cuối cùng” trong đìa rồi tranh nhau giành chụp từng con cá trơn nhớt. Bắt cá xong, lựa một mớ cá lóc cỡ cườm tay (để cá có thể chín đều, ăn mới ngon và ngọt thịt), đập đầu cá vô gốc cây rồi dùng đất sét bọc kín.
Chất đống rơm, rạ, cỏ và cành cây khô, nhét cá vô. Bật quẹt, châm lửa. Bỏ đó. Anh em nhảy xuống con rạch gần đó tắm táp qua loa. Tắm xong cũng là lúc lửa tàn. Gạt tro còn nghi ngút khói, lấy cá ra, lột lớp đất sét khô cứng, vảy và da cá đi theo, bày ra lớp thịt trắng tươi. Đặt cá lên cái mâm thiên nhiên là lá chuối, lá môn hoặc lá sen rồi bắt đầu “nhập tiệc”.
Rau ghém đã sẵn sàng vì đã được hái trước đó trong vườn nhà với những đọt: chiết, chùm ruột, bằng lăng, lứt, nhào…, những lá: lốt, súng non, tra…, những rau: mò om, húng, quế, răm, diếp cá…, những trái: bần, chuối chát, dưa leo… “Thức chấm” cũng đã sẵn sàng, đơn giản chỉ là một ít muối hột đâm nhỏ với ớt hiểm hoặc ớt sừng trâu. Công phu hơn một chút thì pha nước mắm giấm đường, tỏi ớt, mất công hơn nữa là chén mắm nêm pha khế bằm, nước cốt chanh, đường và ớt.
Dùng tay gỡ một phần tư bánh tráng trải lên lòng bàn tay rồi sắp từng lớp rau, đọt, trái, sau cùng trải một vài đũa thịt cá lên, túm gọn hai đầu, cuộn lại cho khéo rồi chấm vào nước chấm và thưởng thức. Trời! Hương đồng cỏ nội như tan lừ trong miệng. Ực một ly rượu đế đưa cay, "khà" một tiếng, tưởng đời không còn gì sinh thú bằng. Nhưng, có. Đó là màn ca hát tài tử. Những điệu hò, điệu lý và những câu vọng cổ “mùi rệu” thi nhau cất lên trong cái khoáng đạt của đất trời.
Cái ngon vật chất hòa trong cái ngon tinh thần mang trong sắc màu sông nước êm trôi mà trĩu tình, trong cái không gian gây gây lạnh đã thấy “đã đời” rồi, huống gì cảnh trạng này diễn ra trong những ngày cận Tết trở đi với ngọn gió chướng lồng lộng, phóng khoáng tâm hồn người đồng bằng Nam bộ thì còn “đã đời” tới biết chừng nào!
Hồng Điệp, theo nguoidothi.net.vn