Dịp tết vừa qua, hơn 1.000 bà con làm tôm khô ở thành phố Hà Tiên tỉnh Kiên Giang vui mừng vì cái nghề gia truyền có hơn một thế kỷ qua đã được nhà nước công nhận là nghề truyền thống và còn được Cục Sở hữu trí tuệ cho đăng ký Nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm tôm khô Hà Tiên. Các hộ dân ở đây năm nay đón tết vui hơn vì họ sắp được hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề, được vay vốn ưu đãi, hỗ trợ xây dựng và quảng bá thương hiệu, xúc tiến thị trường để cho hương vị tết với tôm khô củ kiệu Hà Tiên được lan tỏa nhiều hơn tới mâm cơm của các gia đình Việt.
Hà Tiên là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, nguồn hải sản cá tôm rất phong phú. Sản lượng tôm ngư dân khai thác rất lớn nhưng gặp nhiều khó khăn trong trong khâu vận chuyển, bảo quản. Do đó để tạo ra sản phẩm có giá trị cao, người dân chỉ còn một cách là làm tôm khô. Nguyên liệu đầu vào là tôm tươi sống được đánh bắt tự nhiên, như tôm đất, tôm he, tôm sắt, tôm chì từ đầm Đông Hồ và khai thác từ biển Hà Tiên. Tôm khô Hà Tiên có vị ngọt, thơm đặc trưng ít nơi nào sánh được.
Do nguyên liệu dồi dào nên nghề làm tôm khô diễn ra quanh năm. Tuy nhiên thời điểm tháng 11, 12 mới được xem là chính vụ và chuẩn bị cung ứng đặc sản quê hương phục vụ tết. Hiện nay tôm khô Hà Tiên đã được phân phối tại các hệ thống siêu thị ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Nghề làm tôm khô ở Hà Tiên. Ảnh: Bùi Công Ba
Bà Nguyễn Thị Ánh, 61 tuổi ở khu phố 2 phường Tô Châu, Hà Tiên gây dựng được một cơ sở sản xuất tôm khô lớn. Bà Ánh cho biết: “Quy trình làm tôm khô hoàn toàn thủ công, không dùng chất bảo quản nên chất lượng tôm luôn được đảm bảo. Đầu tiên phải rửa tôm thật sạch rồi đem đi luộc sơ qua nước nóng. Muốn tôm khô ngon, quan trọng ở khâu luộc tôm và ướp muối sao cho vừa ăn. Sau đó phơi tôm từng lớp mỏng, thời gian từ 2 - 3 ngày cho thật khô. Tiếp theo là đập vỏ tôm. Sản phẩm tôm khô được phân loại thành nhiều loại khác nhau, tùy theo kích cỡ và màu sắc của tôm khô”.
Ngày tết không thể thiếu đĩa tôm khô trộn củ kiệu chua chua ngọt ngọt. Món ăn tuy bình dị nhưng mang hương vị ẩm thực Miền Tây: một chút hăng nồng xen ngọt, dịu, chua, giòn.
Kiệu là loại củ đặc trưng của Nam Bộ, có hình dáng rất giống hành, nhưng ít hăng hơn và củ cũng nhỏ hơn rất nhiều. Cứ mỗi độ tết về, ngoài bánh tét là món ăn chính thì củ kiệu là món đồ chua nhà nhà phải có. Có dưa kiệu chua ngọt, giòn giòn ăn kèm bánh tét hay thịt kho tàu,... món ăn ngon hơn đỡ ngán hơn. Sẵn có đặc sản tôm khô trứ danh Hà Tiên, có quả trứng bắc thảo người ta đem trộn cùng dưa kiệu, nêm nếm gia vị, vậy là ra đời món tôm khô củ kiệu Hà Tiên ngon lạ. Ở đó, có vị đậm đà của tôm, vị béo thơm của trứng và chua giòn của kiệu.
Tôm khô Hà Tiên có nhiều loại để khách hàng lựa chọn nhưng luôn đảm bảo chất lượng thơm ngon. Ảnh: Bùi Công Ba
Cách làm củ kiệu tôm khô Hà Tiên cho ngày Tết khá đơn giản nhưng lại là món nhậu lai rai đậm đà hương vị ngày xuân. Để làm món này, đầu tiên bạn phải sơ chế rửa qua nước lạnh rồi ngâm với chút nước ấm cho mềm tôm, rồi vớt ra để ráo. Dùng củ kiệu ngâm và tôm ngâm với nước giấm và nêm thêm gia vị để món tôm khô củ kiệu thêm ngon. Lấy một quả trứng bắc thảo rửa sạch, luộc 15 phút rồi bóc vỏ, chẻ trứng thành những múi nhỏ như múi cau. Chọn một chiếc đĩa lớn, trình bày các nguyên liệu theo ý muốn rồi rưới chút nước giấm lên trên. Có thể cho thêm đường để tăng vị ngọt. Ta cũng có thể trộn tôm khô, củ kiệu trước cho thấm rồi mới trang trí trứng bắc thảo xung quanh để thưởng thức. Đây là món đồ chua điều hòa hương vị trong mâm tiệc ngày xuân, gia giảm vị mặn ngọt chua cay, hạn chế cảm giác ngây ngấy từ thịt cá. Củ kiệu chua ngọt kết hợp cùng vị dai dai ngọt mềm của tôm khô và dưỡng chất từ trứng bắc thảo sẽ khiến ta cảm thấy ngon hơn.
Theo petrotimes.vn