Những đầu bếp danh tiếng cùng trổ tài chế biến món cao lầu của Hội An đến từ 9 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới gồm: Đức, Nhật Bản, Pháp, Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và chủ nhà Việt Nam.
Từ xa xưa, người dân Hội An làm món cao lầu trải qua nhiều công đoạn phức tạp như nguyên liệu làm phải là gạo thơm, sau đó đem ngâm vào nước tro, mà phải là tro nấu củi lấy ở tận đảo Cù Lao Chàm, khi ngâm mới tạo ra được sợi mì có độ giòn, dẻo, và khô. Sau đó lọc kỹ, xay thành bột. Nước xay gạo phải là nước ở giếng Bá Lễ của người Chăm, nước ngọt, không bị phèn và mát lạnh. Tiếp tục dùng vải quện nhiều lần cho bột dẻo, khô, cán thành miếng, xắt thành từng sợi, đem hấp nhiều lần rồi phơi khô để làm sợi mì. Qua nhiều lần xử lý như vậy cho dù sợi mì cao lầu có để qua đêm cũng không sợ ôi thiu. Ngày nay, người ta làm món Cao lầu không cầu kỳ như trước nữa.
Chọn món cao lầu làm chủ đề chính xuyên suốt tại Liên hoan ẩm thực quốc tế Hội An lần thứ 4 năm 2019 được coi là sáng tạo của ban tổ chức. Với mong muốn tạo điểm nhấn, giới thiệu, quảng bá một trong những món ăn độc đáo của Hội An đến du khách, ban tổ chức hy vọng sẽ tạo một sân chơi để các đầu bếp nổi tiếng trên thế giới trình diễn nghệ thuật chế biến các món ăn từ nguyên liệu truyền thống của địa phương.
Liên hoan ẩm thực quốc tế Hội An lần thứ 4 năm 2019 thu hút sự tham gia của 12 đầu bếp cùng chế biến món cao lầu Hội An theo phong cách truyền thống. Tại khu vực Vườn Tượng, các hoạt động thường xuyên do các đầu bếp quốc tế và đầu bếp địa phương tổ chức với 12 gian hàng và các hàng gánh được sắp đặt; trình diễn quy trình chế biến sợi Cao lầu, quy trình chế biến món ăn Cao lầu, dịch vụ Cao lầu truyền thống Hội An... thu hút sự quan tâm của du khách và cả người dân địa phương.
Hoài Nam, Lan Hương/ VOV miền Trung