Trong khuôn khổ chương trình Xuân Quê hương 2020, hàng nghìn kiều bào trở về từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, đại diện cho hơn 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập trên khắp năm châu, trở về quê nhà đón Tết Canh Tý 2020 tham dự chương trình Liên hoan Ẩm thực Việt tổ chức tại Hà Nội ngày 18/1.
Trong chương trình Liên hoan Ẩm thực Việt, có đa dạng các món ăn truyền thống Việt Nam như bánh chưng, bánh cuốn, các loại giò, canh mọc, canh măng, dưa hành… và được trình bày đẹp mắt, hấp dẫn.
Các món ăn thu hút bà con kiều bào tham dự, thưởng thức và để lại ấn tượng sâu sắc với nền ẩm thực phong phú, đa dạng trong ngày Tết cổ truyền dân tộc.
Ảnh minh họa: Mỹ Phương/TTXVN
Theo ông Nguyễn Ngọc Đức, Việt kiều Đức, mâm cơm ngày Tết có ý nghĩa rất thiêng liêng và quan trọng đối với người dân Việt Nam. Trong thời kỳ bao cấp dù khó khăn, thiếu thốn nhưng khi đến Tết, ai cũng cố gắng lo một mâm cơm tất niên thờ cúng tổ tiên đầy đủ, qua đó gửi gắm ước mơ về một năm mới no đủ, sung túc.
Đến nay, cuộc sống đã đầy đủ, các món ăn ngày Tết đa dạng, phong phú hơn nhưng không thể thiếu những món ăn truyền thống như bánh chưng xanh, dưa hành, thịt đông, canh măng, xôi gấc, giò ngũ sắc, giò tai, chè kho…
“Đặc biệt, ý nghĩa mâm cơm ngày Tết không hề thay đổi, đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh người dân Việt Nam. Đây không chỉ là bữa ăn của gia đình mà còn là dịp tất cả các thành viên trong gia đình về nhà sum họp, quây quần bên nhau sau một năm bận rộn, hối hả. Thời khắc đặt mâm cơm giao thừa thờ cúng tổ tiên, các con cháu thành tâm chắp tay làm lễ thắp hương là khoảnh khắc thiêng liêng nhất trong năm, nhắc nhở con cháu về truyền thống 'uống nước nhớ nguồn' quý báu của dân tộc,” ông Ngọc Đức nhấn mạnh.
Còn ông Trần Nghiadzong Marcel, Việt kiều Pháp, lại ấn tượng với nét độc đáo trên mâm ngũ quả ngày Tết truyền thống. Ông cho biết, tùy vào quan điểm của từng vùng miền hoặc từng gia đình mà người ta sử dụng các loại hoa quả với số lượng khác nhau nhưng chủ yếu sử dụng các loại quả như đu đủ, mãng cầu, chuối xanh, bưởi, quất xoài, táo, dứa, phật thủ, sung, thanh long…
“Mỗi loại quả đều có ý nghĩa văn hóa riêng nhưng đều tượng trưng cho sự sung túc, đầy đủ, may mắn. Người Việt Nam thường gửi gắm hy vọng về một năm mới nhiều sức khoẻ, bình an,” ông Trần Nghiadzong Marcel chia sẻ.
Việt kiều Pháp còn ấn tượng với ngày Tết truyền thống của Việt Nam bởi không khí và sắc Xuân tràn ngập trên các đường phố và trong mỗi gia đình. “Các loại hoa ngày Tết rất phong phú và đa dạng, nhiều màu sắc như hoa đào, hoa mai, hoa lan, hoa thược dược, thuỷ tiên, lay ơn, đỗ quyên, quất cảnh… tạo nên sắc xuân thật rộn ràng, tưng bừng, không phải quốc gia nào cũng có được,” ông Marcel nói.
Bà Lê Thị Thu Hương, Việt kiều Ba Lan, cho biết, bà và gia đình đã xa Việt Nam gần 40 năm nên rất nhớ quê hương mỗi dịp Tết đến Xuân về. Do đó, mặc dù thiếu hoa đào, hoa mai nhưng gia đình bà vẫn giữ nét văn hoá truyền thống, làm lễ thắp hương tổ tiên ngày Tết để nhắc nhở con cháu luôn nhớ về cội nguồn, cha ông, từ đó phấn đấu học tập và làm việc tốt, góp phần xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.
Để có được mâm cơm đầy đủ ngày Tết, bà Lê Thị Thu Hương dành lời khen cho những người phụ nữ Việt Nam đảm đang, khéo léo: “Trong những ngày Tết, phụ nữ Việt tất bật chuẩn bị đầy đủ các món ăn đẹp mắt, ngon miệng; họ chính là người giữ nét đẹp văn hoá trong gia đình qua các nghi thức thờ cúng tổ tiên.”
Theo bà Thu Hương, các món ăn Việt Nam đang dạng, phong phú, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế bởi nghệ thuật bày trí, kết hợp gia vị hài hòa và có nước mắm chấm rất đặc trưng.
Nem và phở rất là hai món được nhiều bạn bè, du khách quốc tế biết đến và mong muốn được một lần thưởng thức. Bà Thu Hương mong muốn, trong thời gian tới, ẩm thực nói riêng, du lịch của Việt Nam nói chung sẽ lan toả mạnh mẽ hơn nữa đến tất cả các nước trên thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam hiện nay.
Diệp Trương/ TTXVN/Vietnam+